Quá trình xây dựng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân
Trong mấy chục năm qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã rất quen thuộc đối với nhiều người dân và cũng đem lại hiệu quả tích cực, cụ thể trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là ở các loại hình cơ sở. Đến nay, Đảng ta bổ sung, đề ra chủ trương thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” rất đúng đắn, phù hợp cả về lý luận và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Nếu chỉ "dân biết, dân bàn, dân làm" thì chưa thể hiện đầy đủ tinh thần dân chủ, mà các cơ quan chức năng phải tạo mọi điều kiện để người dân được kiểm tra, được giám sát, như thế mới thực sự "chí công vô tư". "Dân kiểm tra", "dân giám sát" phải đi liền với nhau, tuy có khác về nội dung, cách thức, phương pháp nhưng có điểm giống nhau - đều kiểm tra, theo dõi, xem xét tình hình thực tế về việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước của cán bộ, đảng viên, các cơ quan chức năng và đều hướng tới mục đích chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Vì thế "dân kiểm tra" và "dân giám sát" bổ sung hỗ trợ cho nhau trong thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở của người dân. Thực hiện mục đích tối thượng của Đảng, Nhà nước ta là "vì nhân dân phục vụ" mà chỉ dừng lại ở "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát" thì chưa đủ, bởi cái đích cuối cùng và cũng là thước đo hiệu quả của mọi chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước phải được thể hiện ở những thành quả mà nhân dân được thụ hưởng. Tại Nghị quyết 8b khóa VI Đảng ta đã xác định: Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Nhân dân được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển vừa là mục tiêu, vừa là động lực để khơi dậy sức mạnh và các nguồn lực trong nhân dân trong tiến trình hiện thực hóa, đưa các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Có thể nói việc bổ sung nội dung “Dân giám sát” và “Dân thụ hưởng” vào Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã cho thấy sự trưởng thành hơn một bậc, kế thừa và phát huy quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đó là lấy dân làm gốc trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
Khái niệm “dân thụ hưởng” thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa thụ hưởng và cống hiến nếu được thực hiện được đúng sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Từ đó, hoàn thiện và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân
Khi nói dân thụ hưởng nghĩa là đang nhấn mạnh việc thực hiện hóa nội dung “có làm có hưởng”. Đồng thời, nhấn mạnh đến sự bao trùm, đến đa số nhân dân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển; chứ không chỉ là một số nhóm xã hội hay những tầng lớp có ưu thế hơn. Hơn thế, khi nói dân thụ hưởng không phải chỉ đơn thuần là Đảng muốn hướng đến ý nghĩa sâu xa, bao quát, mà đó chính là việc thỏa mãn các lợi ích chính đáng, đa dạng trong xã hội của người dân, để biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. Đây là sự phát triển trong nhận thức của Đảng, là động lực hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong tiến trình phát triển, lãnh đạo đất nước.
Phương châm “Dân giám sát” và “Dân thụ hưởng” trong thực tiễn
Thời gian qua, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát được tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có sự nỗ lực, sáng tạo đáng ghi nhận.
Ở cơ sở, người dân đã chủ động bàn bạc, tham gia ý kiến, thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến của mình.… tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao vị thế đất nước ta trên trường quốc tế.
Thành công lớn – Thách thức lớn
Nghị quyết Đại hội XIII đã bổ sung, cụ thể thêm một bước tư tưởng phục vụ nhân dân trong đường lối chủ trương của Đảng. “Dân hưởng thụ” chính là sự phát triển về chủ trưởng, quan điểm của Đảng, có ý nghĩa thiết thực, quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “…trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8). Theo đó, xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ tới.
Để quan điểm, chủ trương “dân giám sát và dân thụ hưởng” của Đảng được thực hiện thắng lợi trong thực tiễn cần quyết tâm rất lớn từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Nhận thức phải thống nhất từ trên xuống dưới, nhất là đối với cơ sở. Toàn bộ hệ thống chính trị phải giúp nhân dân nắm vững, hiểu rõ phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tác phong, nền nếp thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như toàn xã hội; quyền dân chủ của người dân được tôn trọng, mở rộng. Tất cả đều vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, tất cả quyền lực đều nằm trong tay của nhân dân./.
PV