Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã nêu ra nhiệm vụ “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; đồng thời khẳng định bản chất của nhà nước đó là: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã có những đánh giá tổng quát về những thành tựu bước đầu: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; đảm bảo thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang ra sức xuyên tạc, bịa đặt, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bằng luận điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam cản trở xây dựng Nhà nước pháp quyền. Với những lập luận cho rằng: Nhà nước pháp quyền là thành tựu của chế độ tư bản chủ nghĩa nên không thể thực hiện ở Việt Nam; mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành đều dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng; các cơ quan ban hành và thực thi pháp luật đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nên không thể có được một nhà nước pháp quyền thực thụ…
Vậy đâu là sự thật?
Thứ nhất, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là một cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Thực tiễn lịch sử cho thấy, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, việc xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản trở thành hiện thực và đạt được nhiều thành tựu so với các thời kỳ trước; tuy nhiên, tư tưởng nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là sản phẩm, thành tựu của riêng chế độ tư bản chủ nghĩa mà là thành tựu chung của toàn nhân loại. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền là một xu thế tất yếu ở các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn đất nước.
Thứ hai, về mục tiêu: mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, mục tiêu cuối cùng đều là vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân; cho nên không thể có lý do gì để lý giải việc hai chủ thể cùng có chung mục đích, lý tưởng cao cả lại trở thành cản lực của nhau.
Thứ ba, về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam – mang bản chất giai cấp công nhân: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đưa ra đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, vì Nhân dân và thực tiễn đã chứng minh đó là những chủ trương đúng đắn và phù hợp. Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải là lực cản như những rêu rao bịa đặt của các thế lực thù địch mà là nhằm bảo đảm cho Nhà nước Việt Nam thực sự mang bản chất của giai cấp công nhân; bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ tư, Đảng đề ra chủ trương, đường lối, Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật; tuy nhiên, Đảng không đứng trên, nằm ngoài pháp luật hay cản trở việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà luôn thượng tôn pháp luật. Điều này được Hiến định tại khoản 3, Điều 4, Hiến pháp năm 2013: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động, Đảng ta đã xác định rõ nguyên tắc thứ năm: Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp. Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật nhưng một khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng phải tuân thủ, chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. Đồng thời, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và đảng viên gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Thứ năm, trong quá trình lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng ta luôn giữ vững lập trường và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước chủ nghĩa xã hội của dân, do dân, vì dân. Đồng thời không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo những tinh hoa, giá trị tiến bộ về nhà nước pháp quyền của thế giới. Những quan điểm, nội dung và phương thức cầm quyền được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc và vận dụng sáng tạo vào lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, luận điệu Đảng Cộng sản Việt Nam cản trở xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một luận điệu xuyên tạc, bịa đặt một cách trắng trợn nhằm thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Với những chiêu trò không mới: chúng cố tình đánh tráo khái niệm “nhà nước pháp quyền” và “nhà nước pháp quyền tư sản” để khiên cưỡng chứng minh việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là không phù hợp. Chúng dựa vào những nguy cơ, hạn chế của chế độ nhất nguyên để phủ nhận vai trò lãnh đạo việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng. Trước những âm mưu thâm độc đó, một mặt, cần nhận diện và làm rõ tính phản động của luận điệu trên để làm thất bại ý đồ chính trị của chúng; mặt khác, Đảng ta cần tăng cường đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh xứng đáng với vai trò lãnh đạo và niềm tin sắt son của Nhân dân dành cho Đảng./.
DTO