Cụ thể hóa Điều 6, Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Đảng viên không được:
1. Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt làm mất, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, như: Tạo dựng sự việc không có thật hoặc xuyên tạc sự việc; tố cáo dưới dạng tờ rơi, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, bình luận, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật, lan truyền tin nhắn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Viết đơn khiếu nại, tố cáo giấu tên, mạo tên (ký tên người khác hoặc ký tên người không có hoặc không đúng với địa chỉ), viết đơn đưa cho người khác ký tên.
2. Tổ chức, tham gia, ủng hộ vật chất, cổ vũ tinh thần hoặc kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tổ chức, cá nhân tố cáo, khiếu nại dưới mọi hình thức.
3. Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết hoặc nơi không có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết theo quy định.
4. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý.
5. Có hành vi mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm đối với người đã phát hiện, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực (gồm cả các thành viên trong gia đình, người thân) hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Vì sao và cần làm gì để đảng viên không vi phạm những điều trên?
Trước hết, khiếu nại, tố cáo là những hình thức thực hành dân chủ, là quyền và cũng là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, được ghi rõ trong quy định của Đảng (hiện nay là Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021) và pháp luật Nhà nước (Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018). Theo đó, cán bộ, đảng viên và công dân có quyền khiếu nại theo quy định, bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, đảng viên khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cán bộ, đảng viên và công dân cũng có quyền tố cáo theo quy định, bằng việc báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Để quyền khiếu nại, tố cáo được thực thi, các quy định của Đảng, Nhà nước chỉ rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan (bao gồm chủ thể khiếu nại, tố cáo; đối tượng bị khiếu nại, tố cáo; chủ thể tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan cần phối hợp để xử lý). Khi đảng viên là chủ thể, đối tượng hay là thành viên có liên quan thì đều phải tuân thủ các quy định, đồng thời phòng tránh các hành vi vi phạm điều cấm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Tuy vậy, không dễ để nhận diện các hành vi vi phạm quy định khi có sự cố ý che đậy hình ảnh, thông tin, làm mờ bản chất sai phạm. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy để phân tích, làm rõ, cụ thể hóa từng phương diện vấn đề, giúp đảng viên nâng cao cảnh giác, phòng chống có hiệu quả..
Một số việc được xem là bịa đặt, tạo dựng, nói xấu, kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép, đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm... chỉ có thể nhận diện khi thông qua nghiên cứu, phân tích hiện tượng - bản chất, qua tự phê bình và phê bình để làm rõ thái độ (cố ý hay vô ý), nội dung (bịa đặt điều gì, xúc phạm ra sao, trả thù, đe dọa như thế nào...), mục đích (gây hại cho cá nhân hay tổ chức; về kinh tế, xã hội hay chính trị...).
Một số điều “cấm” cần được giải thích lý do, giúp đảng viên kiểm soát tốt hành vi của mình. Ví dụ: việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu và là quyền của mọi cá nhân, song lợi dụng nó để lan truyền thông tin có tính tiêu cực chủ quan, thông tin nội bộ, bí mật nhà nước, thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan chức năng kết luận v.v.. lại là hành vi trái pháp luật, vi phạm quyền được tôn trọng và bảo vệuy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Việc viết đơn khiếu nại, tố cáo là quyền của đảng viên, song nếu giấu tên (nặc danh) hoặc viết đơn rồi đưa cho người khác ký tên (mạo danh) lại là hành vi thiếu trung thực, dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm cá nhân, chưa kể đó có thể là cách để tung tin bịa đặt, vu cáo. Đơn thư tố cáo, khiếu nại khi gửi đến nơi đúng thẩm quyền đều được đưa vào quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý hoặc chuyển xử lý giải quyết. Đảng viên phải nắm rõ quy định để gửi đơn thư đúng nơi, đúng chỗ, chờ đợi và tin tưởng vào trách nhiệm của nơi tiếp nhận. Nếu gửi, phát tán đơn thư tùy tiện, vượt cấp, nhiều nơi, không đúng thẩm quyền, khiến việc nhận và xử lý mất nhiều thời gian, nhân lực, sự việc khiếu nại, tố cáo không được giải quyết sớm, không chỉ không bảo vệ được quyền (nếu có) của mình và tổ chức, cá nhân liên quan mà có thể gây mất trật tự, an ninh, mất uy tín cho địa phương, cơ quan, ngành liên quan.
Để góp phần kiểm soát vấn đề này, bên cạnh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên chấp hành quy định về kiếu nại, tố cáo, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT-XH trong giám sát việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, giám sát việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Kịp thời phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm đảng viên khi mới có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm quy định nói trên.
Bạch Yến - Văn Hào