Tại Hội thảo Giáo dục 2023 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/11, đại diện Tập đoàn Viettel tiết lộ tình trạng đáng lo ngại đang xảy ra tại DN này. Đó là DN nhận được 2.000 hồ sơ xin việc, trong đó có những em tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhưng qua kiểm tra thực tế thì chỉ có 100 em đạt yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc xét về hồ sơ thì 100% đạt chuẩn nhưng xét về kỹ năng, chỉ có 5% ứng viên làm được việc ngay; số còn lại hoặc bị loại hoặc phải đào tạo lại.
Thực tế vấn đề trên không quá mới lạ. Nhiều nhà tuyển dụng cho biết: “Sợ nhất là tuyển dụng sinh viên mới ra trường bởi cái “tôi” của các em rất lớn. Có em lại tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc nên phân công việc nhỏ thì các em không muốn làm mà đòi hỏi làm luôn việc lớn với mức lương cao. Tuy thế, hỏi biết làm gì chưa thì các em nói là chưa; hỏi có kinh nghiệm không thì nhận được câu trả lời là không”.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 237 trường đại học với trên 2 triệu sinh viên và trên 70.000 giảng viên. Một báo cáo đánh giá về chất lượng đào tạo của nhóm nghiên cứu Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên cũng chỉ ra, đa số DN chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Tình trạng DN thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự diễn ra khá phổ biến. Đa số sinh viên ra trường thiếu tác phong làm việc công nghiệp, thiếu kỹ năng mềm trầm trọng... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục đại học so với yêu cầu của thị trường lao động.
Học đi đôi với hành, lý thuyết đi cùng thực tế là đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động hiện nay. Đã qua rồi thời kỳ sinh viên đi thực tập hay sinh viên mới ra trường đến nơi làm việc chỉ biết rót nước pha trà, rửa cốc chén hay photo tài liệu. Để trở thành lao động chính thức, sinh viên phải làm việc chính thức, có sản phẩm chính thức. Điều này đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất là nội dung, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học phải sát thực tế và lắng nghe tín hiệu thị trường nhiều hơn để làm sao sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đã được trang bị không chỉ kiến thức mà còn có kỹ năng để làm việc.
Một điều quan trọng không kém là tinh thần tự học của sinh viên, ứng viên. Một chương trình đạo tạo có thực tế, có hay đến mấy mà người học chỉ thuần túy tiếp thu lý thuyết từ sách vở; không ý thức tự thực hành, tự kết nối, tự thích ứng thì cũng rất khó đáp ứng được nhu cầu công việc sau khi ra trường.
Đại diện Tập đoàn Viettel rất có lý khi đưa ra kiến nghị, rằng “các trường đại học xem lại chính sách xếp loại tốt nghiệp, đừng để tình trạng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không thực chất”. Song, kiến nghị đó chỉ đủ khi song hành cùng ý thức tự vươn lên, tự rèn luyện của người học.
Không ít nhà tuyển dụng khẳng định: thà là sinh viên học tốt, học giỏi, học thực chất ở trường thường còn hơn sinh viên học làng nhàng ở trường tốp. Bằng cấp không còn quá quan trọng, quan trọng là sinh viên tự thích ứng đến đâu và có đáp ứng được đòi hỏi thực tế của thị trường lao động không?
Suy cho cùng, thước đo ứng viên không phải là tốt nghiệp trường nào và tốt nghiệp loại gì mà là hiệu quả làm việc đến đâu.
Theo Kinh tế và Đô thị