Điều này được khẳng định thông qua các chỉ số phát triển kinh tế như: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,08% (vẫn trong ngưỡng Quốc hội giao từ 4 - 4,5%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023…
Thực tế cho thấy ở địa phương, ngành nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thì kết quả đạt được ở đó rất rõ rệt, các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. Dấu ấn rõ nét nhất có thể kể đến việc nỗ lực trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không. Đơn cử như sân bay Long Thành đã lên hình hài rất rõ; vừa qua đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ USD trong nước cho dự án này; các vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết, vấn đề bây giờ là tập trung thi công "3 ca, 4 kíp". Các dự án khác như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài… được triển khai tích cực.
Đối với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, việc giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải và cần khẩn trương giải quyết. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có các chỉ đạo, đề nghị các địa phương có dự án đi qua bám sát các mốc tiến độ, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án giao thông lớn, nhất là hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; hai dự án đường vành đai trọng điểm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; ba dự án cao tốc trục Đông - Tây… Cùng với đó, các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân…
Một dự án quan trọng khác là Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Tại buổi kiểm tra công trường dự án ngày 22 - 23/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tập trung chỉ đạo để ngày 28/6/2024 hoàn thành Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa, ngày 30/6/2024 hoàn thành dự án Đường dây 500 kV Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 và trong tháng 7/2024 sẽ tổ chức nghiệm thu cấp chủ đầu tư, nghiệm thu nhà nước, hoàn nguyên môi trường và khánh thành toàn bộ dự án.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, với tính chất quan trọng của dự án, không chỉ riêng đối với EVNNPT, các đơn vị điện lực của EVN và các đơn vị bạn đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao khi đã tham gia hỗ trợ nhiệt tình, nỗ lực cố gắng, không quản ngại khó khăn vất vả.
Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1.800 kỹ sư, công nhân lao động từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh được tăng cường hỗ trợ thi công trên công trường. Cùng với đó, EVN cũng nhận được sự hỗ trợ nhân lực thi công từ Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… tham gia hỗ trợ thi công dựng cột và kéo dây cho các dự án.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 9 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã phối hợp với EVN/EVNNPT thành lập được khoảng 300 đội với hơn 4.000 đoàn viên thanh niên tình nguyện. Trọng tâm là cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân bàn giao hành lang tuyến; hỗ trợ tháo dỡ nhà, chặt cây trong hành lang; hỗ trợ điều tiết giao thông khi kéo dây qua các khoảng vượt đường giao thông; động viên, tặng quà cổ vũ tinh thần của công nhân trên công trường.
Với tinh thần đó, vào lúc 11h 48 phút, ngày 30/6/2024, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Dự án đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1. Việc dự án hoàn thành và đóng điện đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chính là động lực to lớn để toàn công trường Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 nỗ lực hoàn thành nghiệm thu, đóng điện như yêu cầu đặt ra.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi đáng kể. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng tốt lên khi các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất bao gồm nhóm hàng máy móc thiết bị và nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu. Bên cạnh tác động tích cực vào tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu còn góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo việc làm cho hàng triệu lao động, giúp kích thích đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất. Xuất khẩu không chỉ giúp Việt Nam thu được nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu mà còn giúp Việt Nam tăng tích lũy vốn và nâng cao mức sống cho người dân.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng cho rằng, nhờ một số tín hiệu tích cực như kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng…, dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục, tạo tiền đề phát triển mạnh hơn trong năm sau.
Một điểm đáng lưu ý khác là những nút thắt pháp lý cũng dần được gỡ bỏ, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản. Những chính sách và một số luật mới như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Đặc biệt, hiệu lực của các chính sách liên quan như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản được đẩy sớm trước 5 tháng, áp dụng từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư vốn dĩ đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm cần ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; đồng thời, đẩy mạnh sức mua trong nước bằng việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, các "nút thắt" về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư cần được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2024 để thúc đẩy giải ngân đầu tư công…
Nguồn TTXVN