Những năm qua, vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng với quan điểm: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Nhờ đó, nhiều chính sách, chiến lược, cơ chế đầu tư cho văn hóa được ban hành, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Có thể khẳng định sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa như mong muốn.
Như Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng từng nêu tại Hội thảo Văn hóa "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" năm 2022 đó là: "Trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.
Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng, phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước".
Thực tiễn, tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", trong đó đề ra "Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước". Thế nhưng, kết quả khảo sát và các số liệu thống kê của nhiều địa phương giai đoạn 2015-2020 cho thấy đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở mức thấp. Trên cả nước, mức chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa giai đoạn này chỉ đạt mức 1,71%, dưới chỉ tiêu đặt ra. Tính đến năm 2020, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.
Trong điều kiện không được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất của ngành văn hóa ở nhiều địa phương xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tàng, thư viện phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa vì thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, hiện vật không phong phú… Nhiều nơi thiếu đi các thiết chế văn hoá, đời sống văn hóa tinh thần của người dân chưa được quan tâm đúng mức.
Để thực hiện mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" đòi hỏi phải có những giải pháp, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), đề cập đến công tác phát triển văn hóa, Đảng chỉ rõ: "Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội".
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa".
Hội thảo Văn hóa "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" năm 2022 cũng đưa ra quan điểm: "Đối với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này.
Các địa phương cần phân bổ nguồn lực hợp lý cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển văn hoá, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…"
Hội thảo thống nhất phải đẩy mạnh đầu tư, tăng cường đầu tư của cả trung ương và địa phương không chỉ còn trong khung dự toán, trong khoảng 2% mà còn cần hơn. Phải nâng mức đầu tư của Nhà nước lên một cách hợp lý, đồng thời phải khơi thông các nguồn lực để phát triển, chấn hưng văn hoá.
Đây đều là định hướng quan trọng để các địa phương, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư cho phát triển văn hóa.
Thời gian qua, ý kiến của nhiều chuyên gia khẳng định, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng, cho sự phát triển bền vững, cho gốc rễ của con người, dân tộc.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề cập đến nhiều khó khăn, bất cập của lĩnh vực văn hóa như: Ngân sách đầu tư cho văn hóa chưa đảm bảo; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch được ban hành nhưng việc bố trí kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; việc đầu tư cơ sở vật chất văn hóa chưa được quan tâm đúng mức…
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước như Đảng đã xác định, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị: Khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa...
Đại biểu nhấn mạnh, phải kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước bằng Nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở phân bổ ngân sách nhà nước từng năm và giai đoạn.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, nguồn lực cho văn hóa không chỉ là vấn đề tài chính, ngân sách, con người mà gồm cả cơ chế, chính sách, pháp luật và thời đại. Vì việc tạo cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát huy, phát triển.
Do vậy, mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển theo định hướng của Đảng.
Nhiều chuyên gia đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nếu có mức đầu tư tương xứng, kỳ vọng văn hóa sẽ được chấn hưng và phát huy vai trò, vị thế của mình.
Theo Tổ quốc