Nhiều hệ lụy khó lường
Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, thông tin được chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thế nhưng khi người dùng MXH một cách vô trách nhiệm, thậm chí vì động cơ không trong sáng mà phát tán tin giả thì những hệ lụy mà nó gây ra là không hề nhỏ.
Tin giả làm nhiễu loạn thông tin, khiến công chúng không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Tin giả còn tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, gây thiệt hại đến kinh tế, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các phương tiện truyền thông chính thống,
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng nguyên nhân cơ bản là do thói quen chia sẻ thông tin giật gân, tin "nóng" để câu like, câu view của một bộ phận người dùng MXH mà không kiểm chứng sự chính xác của thông tin đã vô tình hoặc cố tình lan tỏa tin giả. Nhưng nguy hiểm hơn là những kẻ cố tình sản xuất, phát tán tin giả nhằm gây tâm lý bất ổn, hoang mang trong xã hội, reo rắc những luận điệu sai lệch trong cộng đồng mạng.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tin giả, cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan và sự tự ý thức, trách nhiệm của cư dân mạng.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng về tác hại của tin giả cũng như kỹ năng, kiến thức khi ứng xử với thông tin tiếp nhận được. Cần tạo lập cho cư dân mạng thói quen kiểm chứng thông tin từ các nguồn chính thống trước khi đăng tải, nhận diện các dấu hiệu thường có của tin giả để chủ động tự tạo "bộ lọc" thông tin, những nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội.
“Nói không” với tin giả trên không gian mạng. Ảnh: Internet
Các lực lượng chức năng làm công tác quản lý nhà nước về internet và đảm bảo an ninh mạng cần tăng cường kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các vi phạm đưa thông tin giả trên MXH. Các cơ quan chức năng phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đầu tư trang thiết bị, công nghệ để phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời tin giả cũng như các đối tượng tạo lập, phát tán tin giả, đo lường mức độ ảnh hưởng của thông tin sau khi bị phát tán để có biện pháp xử lý sớm. Phát huy vai trò của Trung tâm xử lý tin giả trong việc sớm khẳng định tính không chính xác của tin giả, nhất là những thông tin liên quan hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại. Tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội trong việc ngăn chặn, xử lý tin giả.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa các đối tượng tung tin giả theo quy định của pháp luật. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử là văn bản pháp luật quan trọng và đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống thông tin giả, tin sai lệch, xấu độc trên không gian mạng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, đòi hỏi cần có những quy định “mạnh tay” hơn để xử lý các đối tượng tạo và phát tán tin giả.
Đồng thời, cac cơ quan báo chí, truyền thông chính thống cần nâng cao chất lượng thông tin, bảo đảm kịp thời, chính xác, nhất là trước các vụ việc, sự kiện “nóng”, nổi, được dư luận xã hội quan tâm, không để "khoảng trống" thông tin cho tin giả len lỏi trên không gian mạng. Các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, xét duyệt chặt chẽ các thông tin trước khi cho đăng tải, tránh xảy ra những sai sót để các đối tượng lợi dụng phát tán tin giả.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là mỗi người dân khi tham gia MXH cần nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của công dân, hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin đi ngược với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước lên tài khoản cá nhân và các nhóm, diễn đàn ảo trên không gian mạng; khi phát hiện tin giả cần thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để xử lý. Cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hộ cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm các điều lệ, quy định của tổ chức, đồng thời khi tiếp nhận thông tin xấu độc cần có quan điểm, lập trường vững vàng và hành động phù hợp để giúp người dân nắm bắt vấn đề chính xác.
Một số câu chuyện hay thông tin được giả mạo có mục đích hết sức tinh vi. Vì vậy, cộng đồng mạng hay từng cư dân mạng khi tiếp nhận thông tin cần suy nghĩ kỹ càng và chỉ chia sẻ nếu khẳng định được rằng thông tin đó là đáng tin cậy./.
Quang Minh