Ông Nguyễn Hữu Vương – đại diện phân phối đặc sản Tây Bắc tại khu vực miền Nam nói: “Chúng tôi đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Ngoài ưu thế là các sản phẩm nông sản đặc hữu, đặc sản tiêu biểu mang hương vị vùng núi cao Tây Bắc, ba đặc sản Tây Bắc gồm gạo Séng Cù Mường Vi, miến dong núi đá, mật ong Hoàng Liên còn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu được vào kênh phân phối hiện đại sẽ cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng đã đạt được, hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu. Chúng tôi còn hướng đến tem truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận OCOP từ 4 sao trở lên”.
Tâm huyết với sản phẩm, đồng thời mong muốn phát triển kinh doanh, ông Võ Hoàng Trinh – Giám đốc Công ty TNHH Việt Trái Cây chia sẻ, các sản phẩm trái cây sấy khô và bột rau, củ, trái cây 100% tự nhiên được chế biến đảm bảo giữ nguyên mùi vị đặc trưng và không sử dụng chất bảo quản. Hy vọng tìm kiếm và tiếp cận các đối tác tiềm năng ở cả trong nước và Thái Lan.
Thông tin về kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp Việt để đưa hàng vào hệ thống, ông Nishitohge Yasuo - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho rằng: “Hiện đơn vị của chúng tôi đang làm việc với gần 14.000 nhà cung cấp, cung ứng nhiều nhóm hàng như may mặc, thực phẩm – nhu yếu phẩm hàng ngày, điện máy, điện tử, gia dụng, nội thất… Trong đó, 99% sản phẩm từ các nhà cung cấp trong nước. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới đưa hàng hóa vào hệ thống Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon tại Việt Nam cũng như xuất khẩu”.
Theo đại diện nhà bán lẻ nêu trên, thị hiếu của khách hàng tại thị trường Nhật Bản hiện nay khá ưa chuộng các mặt hàng thực phẩm hàng ngày, nhóm đồ uống, sản phẩm nông sản như trái cây. Trong khi đó, bà Trương Tố Uyên – Giám đốc thu mua ngành hàng nước giải khát của Central Retail tại Việt Nam chia sẻ: “Doanh nghiệp cần phải cung cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận nhãn hiệu (nếu có), giấy xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời, nhà cung cấp cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm/ISO/HACCP;,... Khi đáp ứng đủ yêu cầu các bên sẽ tiến hành thương lượng và ký kết hợp đồng thương mại...”.
Trong 5 năm qua, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại Aeon đạt hơn 1,4 tỉ USD, tăng trưởng bình quân hơn 120% mỗi năm. Hiện nay, nhóm sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu thông qua hệ thống này rất đa dạng: Nhóm hàng may mặc, giày dép (áo thun, áo sơ mi, giày dép…) chiếm khoảng 59%; nhóm hàng thực phẩm, trái cây (cà phê, thanh long, chuối, xoài…) chiếm khoảng 34,6%. Ngoài ra, khoảng 1.200 tấn thủy sản (cá ba sa, tôm) đã được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2019. Vài năm gần đây, vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên cũng vừa được xuất khẩu sang Nhật Bản và được giới thiệu tới khách hàng của hệ thống bán lẻ Aeon tại nước này. Giống như thị trường Nhật Bản, hiện Thái Lan cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Asean.
Nói về hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Hữu Tín – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, thời gian qua, ITPC đã triển khai nhiều chương trình hội nghị kết nối, tuần lễ triển lãm sản phẩm, xúc tiến đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử. Tất cả các hoạt động trên nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với nhà phân phối, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác, thủ tục giấy tờ cần thiết từ đối tác để xuất khẩu hàng hóa sang các nước./.
Theo Đại Đoàn kết