Lên các trang web quảng bá, giới thiệu sản phẩm hay livestream bán hàng giờ đây đã trở thành những công việc hàng ngày của nhiều nông dân. Sự thay đổi trong cách làm nông nghiệp khi biết ứng dụng internet đã khiến cuộc sống nhiều nông dân bước sang một trang mới, không còn cảnh trông trời, trông đất, trông mây và trông vào thương lái. Giờ đây, với việc kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng qua sàn giao dịch điện tử, loại bỏ khâu trung gian đã giúp giá cả nông sản ổn định, khó bị thao túng. Nông dân cũng có thể thu nhập dữ liệu về giá cả nông sản trên thị trường, cập nhật giá với tần suất hàng ngày nhờ vào công nghệ số.
Trong khi đó, trên thị trường thương mại bán lẻ, nhiều DN nhỏ trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 đã chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử. Nhờ đó duy trì được sản xuất, doanh thu cũng như bảo đảm việc làm và thu nhập của người lao động. Một số DN cho biết, chuyển đổi số đã giúp chuẩn hóa quản trị và tự động hóa sản xuất, góp phần tăng trưởng năng suất lao động. Và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà sẽ trở thành vấn đề sống còn với DN.
Có lẽ chưa bao giờ, chuyển đổi số lại được nhắc đến như một từ khóa xuyên suốt và trở thành vấn đề cốt lõi trong đời sống như hiện nay. Đặc biệt là tại BR-VT, với mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, thì công cuộc chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo lãnh đạo tỉnh, BR-VT xác định việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết là rất quan trọng, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4. BR-VT cũng là là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hỗ trợ tạo lập 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử. BR-VT cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công của tỉnh; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch thu hút hơn 250 khách sạn, cơ sở lưu trú tham gia... Trung tâm điều hành đô thị thông minh tập trung của tỉnh cũng chuẩn bị đưa vào vận hành, là bước đi quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các mặt của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số tại BR-VT đang cho thấy sức tác động ngày một lớn lên đời sống của từng người dân và DN. Với quyết tâm đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, BR-VT đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ trên nhiều lĩnh vực nhằm tối ưu hóa các hoạt động quản lý, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công. Thế nhưng, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Điều này cũng có nghĩa, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, an toàn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại những tiện ích cho mọi người./.
Theo Báo BRVT