Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp những khó khăn, hạn chế, do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đó là chúng ta vẫn chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa khai thác hiệu quả các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa. Việt Nam đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, chưa có các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu...
Nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế nêu trên, để công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 18-1-2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Quan điểm chỉ đạo chung là, thời gian tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá, nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ hóa có khả năng cạnh tranh cao.
Có thể thấy, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, là nhóm ngành có lợi thế quốc gia, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Chính vì vậy, thời gian tới, việc phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa của đất nước phải dựa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết.
Chúng ta cần tập trung xây dựng mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, đủ sức chiếm lĩnh thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Đồng thời, chúng ta phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác với các đối tác quốc tế.
Mục tiêu đã được xác định rõ là đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ít nhất 7% GDP, góp phần xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng, từ đó “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy lĩnh vực này vươn lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo Hà Nội mới