Nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ - Đây là mục tiêu, cũng là đích đến của quá trình dân chủ, là chìa khóa mở ra cánh cửa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân tại Việt Nam. Để là chủ và làm chủ, nhân dân trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời, cũng cần được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát hoạt động của những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được mình tin tưởng, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Cùng với đó, dân chủ, còn tức là nhân dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của quá trình đóng góp, dựng xây.
Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung một một nội dung hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với công cuộc thực hiện dân chủ của nhân dân Việt Nam: “dân thụ hưởng”. Từ nay, phương châm xây dựng dân chủ tại Việt Nam được hoàn thiện thành: “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
1. Quyền thụ hưởng của nhân dân hay “người trồng cây được hái quả”
Khi trồng cây, bỏ bao công sức chăm bón, đối mặt với mững rủi ro về thời tiết, sâu bệnh, vượt qua những khó khăn, nguy cơ thường trực xung quanh..., chúng ta đều kỳ vọng về ngày được hái quả. Quả ngọt đó chính là mục tiêu hướng tới, cũng là phần thưởng xứng đáng người trồng cây được nhận sau cả một quá trình vất vả. Nó vô cùng cần thiết vì đó vừa là mục tiêu của quá trình lao động, sản xuất; lại vừa là động lực để con người tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Quá trình dân chủ cũng vậy, “có làm, có hưởng”, khi người dân không quản ngại hi sinh, nỗ lực phấn đấu bảo vệ và dựng xây Tổ quốc ; họ xứng đáng và cần được “thụ hưởng” thành quả.
Nhân dân có quyền khai thác, thụ hưởng tài nguyên trí tuệ (các giá trị văn hóa - nghệ thuật; khoa học – kỹ thuật; chính trị - pháp lý...); cơ sở vật chất (hệ thống giao thông; điện, đường, trường, trạm...); khai thác dịch vụ công và các thành quả khác của quá trình tổ chức, quản lý xã hội. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Trẻ em được đến trường. Sức khỏe của người dân được chăm sóc. Việc làm được tạo ra ngày càng nhiều hơn, đảm bảo quyền được làm việc của người dân. Công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” đạt nhiều thành tựu, số lượng hộ nghèo, hộ cần nghèo ngày càng giảm. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng... Điều đó cho thấy, nhân dân Việt Nam đã được, đang được “thụ hưởng” trên thực tế các thành quả của quá trình dân chủ. Đó không phải chỉ là lý thuyết suông, cũng không phải chỉ là lời hứa hẹn, chiêu trò “mị dân” như những gì các đối tượng thù địch, phản động xuyên tạc.
Sự công bằng trong thụ hưởng không đồng nghĩa với cào bằng. Trong xã hội luôn có những đối tượng yếu thế, cần sự hỗ trợ và quan tâm nhiều hơn những người khác như: người tàn tật, người nghèo, trẻ em mồ côi, thương, bệnh binh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
2. Trách nhiệm bảo đảm quyền thụ hưởng của nhân dân
Nhân dân có quyền thụ hưởng đồng nghĩa với việc Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm quyền này trên thực tế. Muốn nhân dân được học tập, chăm sóc sức khỏe, Nhà nước cần xây dựng trường học, bệnh viện; đào tạo giáo viên, đội ngũ y bác sĩ; xây dựng, ban hành chính sách, quy định về giáo dục, y tế... Muốn nhân dân tiếp cận các dịch vụ công, Nhà nước cần xây dựng trụ sở, cơ sở vật chất, hệ thống quy trình, thủ tục...
Nhà nước ban hành pháp luật để cụ thể hóa nội dung, hình thức thực hiện dân chủ; nội dung, cách thức thực hiện quyền thụ hưởng của nhân dân. Cùng với đó, chính sách, pháp luật cần được phổ biến tới người dân, để dân hiểu, dân tin và dân thực hiện. Những hành vi vi phạm pháp luật dân chủ, chống phá, xuyên tạc dân chủ, cố tình bóp méo nội dung dân chủ, xâm phạm quyền thụ hưởng của nhân dân cần được nhận diện và xử lý nghiêm minh trên thực tế. Có như vậy, quyền thụ hưởng của nhân dân mới được đảm bảo bằng pháp luật.
Trên cơ sở quy định pháp luật, nhân dân biết mình cần phải làm và được làm gì để thực hiện quyền dân chủ, được thụ hưởng; đồng thời, cũng biết cách thụ hưởng, nội dung thụ hưởng và giới hạn của quyền thụ hưởng. Lợi ích của cá nhân cần đặt trong mối tương quan với lợi ích của tập thể, của của địa phương, đất nước. Trong đó, điều cốt yếu chính là phải bắt đầu từ: Trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân.
“Lấy dân làm gốc” là đạo lý nghìn đời nay, đặc biệt trong việc trị quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, đã luôn đau đáu vì nước, vì dân, luôn khẳng định dân là chủ và dân làm chủ, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển – đó là động lực để khơi dậy sức mạnh nhân dân trong quá trình dựng xây đất nước, đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. /.
MH