Xóa bỏ tư duy làm ăn nhỏ lẻ
Theo Ban tổ chức soạn thảo, một trong những điểm mới của dự án là việc đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại diện Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) cho rằng với tên gọi trên, Luật sẽ nhấn mạnh tính "hợp tác - cooperative" giữa các thành viên, thống nhất với thuật ngữ quốc tế. Đồng thời, Luật sẽ tạo được động lực mới cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác, xóa bỏ tư duy bao cấp, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời, dự án Luật sẽ được đơn giản hóa thủ tục gia nhập, giảm thủ tục hành chính từ 31 xuống 25. Chính sách phát triển tổ chức kinh tế hợp tác như tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế, tín dụng và bảo hiểm, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, kiểm toán,...
"Qua quá trình phát triển dựa trên yêu cầu về thực tiễn, quản lý nhà nước với khu vực kinh tế hợp tác sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình mới. Bộ KH&ĐT đổi mới từ tên dự án luật, đến nguyên tắc và mô hình quản lý phù hợp với sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác trong thời gian tới", Đại diện ban soạn thảo của dự án Luật chia sẻ.
Là đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, tỉnh Hòa Bình cho hay, thời điểm mới thành lập năm 2016, trải qua 5 năm hình thành và phát triển, HTX đã đạt được những kết quả tích cực như niên vụ 2020-2021 doanh thu đạt trên 28,8 tỷ đồng. Việc doanh thu của HTX tăng dần đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người dân địa phương tham gia chuỗi liên kết, góp phần ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên HTX.
Bên cạnh các kết quả đạt được, HTX Mường Động cũng gặp không ít các khó khăn về nguồn lực và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Một số chính sách, ưu đãi của Nhà nước chưa hoặc rất khó để tiếp cận, do đó HTX Mường Động chưa có nhiều cơ hội được hỗ trợ,...
Mục tiêu đưa kinh tế phát triển vững mạnh hơn
Trước thực tế của HTX Mường Động cũng như nhiều HTX trong cả nước, một chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng dự án Luật cần khắc phục tình trạng chính sách nhiều nhưng thiếu nguồn lực. Chính sách thì đẹp nhưng HTX tiếp cận rất khó khăn, để vay vốn nhiều lãnh đạo HTX phải đem sổ đỏ của gia đình làm tài sản thế chấp. Đồng thời, việc xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên phải đảm bảo bố trí đủ nguồn lực, dễ dàng tiếp cận thông qua đầu tư và miễn giảm thuế.
Mặt khác, cần phải tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 20-NQ/TW. Khu vực kinh tế hợp tác lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Đây là điểm khác biệt căn bản giữa kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân, do vậy cần có tiêu chí, quy định đánh giá lợi ích của thành viên, lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội, chứ không chỉ đánh giá thông qua lợi ích của tập thể đơn thuần theo các con số thống kê như thời gian vừa qua, không thấy rõ vai trò, vị trí, đóng góp của kinh tế hợp tác. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế hợp tác vào GDP năm 2020 chiếm 3,62% mới phản ánh đóng góp về mặt kinh tế của HTX mà chưa phản ánh hết đóng góp rất lớn về mặt chính trị, an sinh, xã hội của kinh tế hợp tác.
Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư pháp bình luận, một trong những mục tiêu mà việc ban hành dự án luật lần này phải đạt được là làm sao khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển, góp phần chấm dứt tình trạng vai trò của các tổ chức này ngày một giảm sút, đi ngược lại với chính sách của Đảng và nguyện vọng của đa số người dân.
Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu hàng đầu là làm sao tạo điều kiện (cơ chế, chính sách) để làm sống lại và phát triển kinh tế hợp tác. Muốn vậy, vị chuyên gia trên cho rằng cần phải ưu tiên áp dụng chính sách để khuyến khích người dân tham gia càng nhiều càng tốt các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có chính sách về phân phối thu nhập của tổ chức kinh tế hợp tác.
"Nếu thu nhập được trích quá nhiều (tỷ lệ trích quỹ chung không chia quá cao như phương án 2 nêu trong dự án Luật là trích một phần lợi nhuận hàng năm đưa vào quỹ chung không chia theo mức tối thiểu như: 20% đối với hợp tác xã, 25% đối với liên hiệp hợp tác xã, 30% đối với liên đoàn hợp tác xã thì chắc chắn sẽ cản trở việc thực hiện thành công chủ trương chính sách này", vị chuyên gia nói, đồng thời cho rằng nên trích một phần lợi nhuận hàng năm đưa vào quỹ chung không chia theo mức tối thiểu là 5% đối với hợp tác xã, 10% đối với liên hiệp hợp tác xã và 30% đối với liên đoàn hợp tác xã.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc hoạch định những chính sách ưu đãi mới cho tổ chức kinh tế hợp tác để kinh tế hợp tác có thể phát triển, lớn mạnh về quy mô, việc rà soát và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định "cổ điển" điều chỉnh quá trình thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng để từng bước hiện đại hóa khu vực kinh tế hợp tác ở Việt Nam, làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực này.
Định hướng chính trong hoàn thiện pháp luật về kinh tế hợp tác, trong đó có dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác được thông suốt, linh hoạt./.