Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Cuối tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh thông báo đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Tích cực “xanh hóa”
Hiện tại, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang “bắt tay” chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đơn cử như tại châu Âu, khu vực có kế hoạch hành động tuân thủ cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), quy định về phòng chống phá rừng (EUDR). Phía Mỹ cũng ra Dự thảo Luật cạnh tranh sạch.
Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 30% thị phần xuất khẩu và châu Âu chiếm 10%. Do đó, việc Mỹ và châu Âu áp dụng các quy chuẩn nói trên sẽ tạo áp lực đối với doanh nghiệp Việt khi giao dịch với hai thị trường này. Do đó, để “giữ chân” thị trường, chuyển đổi xanh là con đường không thể khác cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế…
Với những chuyển động chính sách và thực tiễn trong nước sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, Việt Nam đang tích cực “xanh hóa” nền kinh tế. Trong đó, một số chính sách rất quan trọng và có tác động đến diện rộng các doanh nghiệp như Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon; Dự thảo Quyết định về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…
Yếu tố quyết định
Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra tại Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho rằng, việc huy động được các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về tài chính là yếu tố quyết định để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.
Những băn khoăn về vấn đề nguồn tài chính để chuyển đổi xanh. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo gợi ý, thời gian tới, Việt Nam có thể huy động nguồn lực tài chính thông qua bốn kênh cơ bản.
Thứ nhất, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Số tiền từ ODA có thể không nhiều nhưng là nguồn vốn có sẵn ở các ngân sách song phương và đa phương. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, đây là nguồn lực tốt mà Việt Nam nên tận dụng để huy động trong quá trình chuyển đổi xanh.
Chia sẻ riêng về EU, Đại sứ cho rằng, EU luôn có những khoản ngân sách dành cho chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán để tăng hạng mức ODA, phía EU nêu vấn đề về tiến độ giải ngân. Các bộ, ban, ngành liên quan cần cải thiện vấn đề này để thu hút, huy động thêm nguồn vốn ODA từ khối 27 thành viên.
Thứ hai, các nguồn tài chính trong những sáng kiến của EU. Để nhận được khoản hỗ trợ này, Việt Nam cần các dự án phù hợp, liên quan đến sáng kiến của khối.
Thứ ba, nguồn đầu tư của các doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp. Rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào chuyển đổi xanh. Họ sẽ quyết định nhanh, có sẵn tiền đầu tư và có thể hỗ trợ phát triển bền vững. “Đây là nguồn vốn quan trọng nhất, có thể tiếp cận và phát triển bền vững nhất”, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ nêu quan điểm.
Thứ tư, nguồn đầu tư theo hình thức gián tiếp. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Việt Nam có thể phát hành trái phiếu xanh. Việt Nam và Luxembourg đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược tài chính xanh. Đại sứ nhấn mạnh: “Công tác ngoại giao kinh tế có thể áp dụng trong lĩnh vực này để thúc đẩy, thu hút nguồn lực. Trái phiếu xanh là nguồn lực khá tốt để chúng ta thực hiện chuyển đổi xanh và Việt Nam không nên bỏ lỡ”.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh
Bên cạnh những băn khoăn về vấn đề tài chính, PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường chuyển đổi xanh. Đơn cử như việc đất nước phụ thuộc nhiều vào mô hình truyền thống.
Song song với đó, năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam đang là vấn đề cần để tâm khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt. Trong bối cảnh đó, PGS. TS. Vũ Minh Khương nhận thấy, tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, trên hành trình chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Nhưng hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số; khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế; nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao; khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…
Cuộc khảo sát 2.734 doanh nghiệp vào cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, bức tranh chuyển đổi xanh có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều “mảng xám”. 64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải và chuyển đổi xanh; gần 52% đánh giá mức độ cần thiết chuyển đổi ở cấp bình thường, không cần thiết và rất không cần thiết.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế kết hợp cùng bối cảnh ở Việt Nam, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc BCG Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế; ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh; hỗ trợ dự án thí điểm xanh.
Đồng thời, cần thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế.
“Nếu làm được những điều trên, Việt Nam sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện, hướng tới sự phát triển xanh và bao trùm”, Tổng giám đốc Arnaud Ginolin khẳng định.
Theo Báo Quốc tế