Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đạt 80%. Đạt mục tiêu này là một nhiệm vụ quan trọng trong việc hiện thực hóa quan điểm phát triển "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số" để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới có 257 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 13,6%. Hải Dương cũng mới chỉ có 237 dịch vụ công được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 55 trong 63 tỉnh, thành phố.
Đến tháng 8.2021, toàn tỉnh có 314 thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền có một số tiêu chí phù hợp với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhưng không đạt điều kiện tối thiểu 30% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết trực tuyến mức độ 3 trở lên. Tỉnh ta cũng có tới 1.558 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhưng không phát sinh hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 trong 3 năm gần nhất. Trong khi đó, Hải Dương hiện có gần 1,4 triệu điện thoại thông minh, đạt 72% số dân. Mạng lưới cáp quang đã được kéo đến tất cả các xã, phường, thị trấn. 55% số hộ sử dụng dịch vụ truy cập băng thông rộng, tốc độ cao.
Hàng trăm, hàng nghìn thủ tục hành chính có điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng không phát sinh hoặc có ít hồ sơ được giải quyết trực tuyến cho thấy người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng đang là rào cản lớn để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tỉnh. Tại Hội nghị lần thứ 34, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đến hết năm nay tỷ lệ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh bằng mức trung bình cả nước và tăng ít nhất 20% mỗi năm (đến hết năm 2020, tỷ lệ bình quân thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cả nước đạt 30,86%). UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu; lấy đây là tiêu chí chấm điểm cải cách thủ tục hành chính hằng năm và cơ sở đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu...
Về phía người dân, để thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công từ trực tiếp sang trực tuyến đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giảm phí giải quyết thủ tục hành chính, phí bưu chính, rút ngắn thời gian... các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở cần có những giải pháp sâu sát, mang tính "cầm tay chỉ việc" để hình thành thói quen thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường internet. Cách làm để Hải Dương đang đứng tốp đầu những tỉnh, thành phố về tỷ lệ số dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh là một ví dụ. Hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội đến tận nhà, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone góp phần quan trọng để tỉnh đạt kết quả trên. Nếu việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng được thực hiện bằng cách giống như trên chắc chắn sẽ đem lại những chuyển biến tích cực.
Từ các giải pháp khuyến khích, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến cần chuyển sang mang tính bắt buộc. Các cấp chính quyền dần hạn chế tối đa giải quyết trực tiếp đối với những thủ tục đủ điều kiện giải quyết trực tuyến, trong đó có giải pháp hỗ trợ những trường hợp đặc biệt như người khuyết tật, sức khỏe yếu.