Những hạn chế được chỉ ra là cơ chế, chính sách về đầu tư, đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, về tự chủ tài chính và xã hội hóa, chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện để phát huy tài năng, nhất là tài năng trẻ và tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống còn bất cập, thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận; thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng tới đông đảo văn nghệ sĩ và xã hội; thiếu những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Bên cạnh đó là thị trường các sản phẩm, dịch vụ VHNT phát triển chưa đồng bộ, bền vững; giao lưu, hợp tác quốc tế, dịch thuật, giới thiệu, quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...
Những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển VHNT. Năng lực và phương thức lãnh đạo, hiệu quả quản lý nhà nước về VHNT ở một số nơi còn hạn chế, chậm đổi mới, chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Để tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác VHNT; chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của VHNT, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ…
Song song với đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực, tránh dàn trải, lãng phí; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về VHNT, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động này, đồng thời khuyến khích gắn kết giữa phát triển VHNT với các ngành du lịch, dịch vụ; chú trọng nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho phát triển VHNT, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực; từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia trong lĩnh vực; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa...
Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực VHNT, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ các tài năng trong lĩnh vực VHNT; tiếp tục xây dựng chiến lược đào tạo tài năng VHNT trong nước và nước ngoài, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đồng bộ cả về số lượng và chất lượng...
Cơ chế kinh tế thị trường ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến đời sống VHNT; một mặt tạo điều kiện tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực VHNT, nhưng mặt khác - mặt tiêu cực, là làm gia tăng xu hướng thương mại hóa, hạ thấp tiêu chuẩn giá trị thẩm mỹ, nhân văn của các tác phẩm, sản phẩm VHNT.
Các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một số văn nghệ sĩ đã tác động không nhỏ đến việc giữ vững định hướng phát triển VHNT và tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Chính vì lẽ đó, chúng ta cần triển khai nhanh chóng, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nêu trên để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt đội ngũ kế cận cũng như nguy cơ đứt gãy dòng chảy mạch nguồn truyền thống và xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc trong sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn cũng như thụ hưởng giá trị VHNT vốn đang ngày càng gia tăng.
Nguồn SGGP