Việt Nam được đánh giá là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Ảnh: VNBusiness
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy được xem là chất xúc tác khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhanh hơn. Cuối tháng 5 vừa qua, hơn 80 nhà kinh doanh Hoa Kỳ đã đến TP.Hà Nội (Việt Nam) để tham dự "Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh 2022" của AmCham châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà kinh doanh Hoa Kỳ đã bàn kế hoạch mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á, đồng thời thảo luận về các vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt
Điểm đến của giới đầu tư thế giới
Sau chuyến thăm Hà Nội, nhóm các giám đốc điều hành các doanh nghiệp của Hoa Kỳ cũng dành thời gian đến nhiều địa phương của Việt Nam để tìm hiểu đầu tư. Đặc biệt, sự kiện trên có sự góp mặt của những lãnh đạo tập đoàn lớn như ông Michael A. Arthur - Chủ tịch Boeing International.
Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Google, Apple, Microsoft… để thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số.
Trong buổi tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm trụ sở của Tập đoàn Apple tại Hoa Kỳ, CEO Tim Cook đã tiết lộ, Apple muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị của hãng.
Thời gian qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng tới Việt Nam đầu tư. Đơn cử như Tập đoàn Pandora của Đan Mạch (thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới) cam kết đầu tư 100 triệu USD xây dựng cơ sở chế tác trang sức ở Bình Dương. Đây sẽ là cơ sở sản xuất lớn thứ 3 của Pandora, đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan.
Ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc cung ứng Tập đoàn Pandora cho hay tập đoàn này đã tìm hiểu rất nhiều nơi trên thế giới trước khi quyết định chọn Việt Nam. Lợi thế mà Pandora có được là tiếp cận một lượng lớn thợ thủ công có tay nghề cao.
Trước Pandora, Tập đoàn Lego của Đan mạch đã quyết định xây nhà máy mới tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD. Sự kiện này đã đưa Đan Mạch nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu trong rót vốn vào Việt Nam.
"Việt Nam đang được coi là “vịnh tránh bão” trong cơn biến động" là đánh giá được TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright) đưa ra. Điều này chứng tỏ điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang rất ổn định, chủ động và chống chịu được rủi ro biến động kinh tế.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị nội lực, nguồn lực để thu hút chủ động nguồn vốn FDI sẽ đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam.
Len chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho hay các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng "đặt một chân" vào Việt Nam là đặt chân vào thị trường ASEAN. Sức hấp dẫn của Việt Nam hiện nay không đơn thuần là lao động giá rẻ như trước mà bởi vị trí chiến lược ở khu vực năng động ASEAN, với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
Trong khi đó, qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ông Don Lam, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết họ đều quan tâm tới Việt Nam, nhận định đây là thị trường hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030, Chiến lược nêu rõ Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Theo đó, một trong những mục tiêu được đưa ra tại Chiến lược là phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mục tiêu này được đánh giá khá thách thức khi tỷ lệ nội địa hóa còn khiêm tốn.
Đơn cử với ngành công nghiệp điện tử - mảnh đất được đánh giá là màu mỡ để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như Samsung, Intel, Canon, LG, Foxconn... Song thống kê tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%.
Không chỉ ngành điện tử, ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, dẫn số liệu ước tính tình hình sản xuất của các ngành CNHT của doanh nghiệp Việt Nam như công nghệ chế tạo ô tô: nội địa hóa 5-20%, cơ khí chế tạo: 15-20%...
Theo ông Hoàng, các tập đoàn đa quốc gia do nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn này cũng như do các tập đoàn đã tham gia sâu rộng, bền chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp tại chính quốc gia của họ. Vì vậy, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. Điển hình như Samsung đã công bố nhu cầu hàng trăm sản phẩm, Toyota và các tập đoàn khác cũng công bố hàng trăm linh phụ kiện cần nhưng các doanh nghiệp CNHT Việt Nam không thể đáp ứng được bởi nhiều yếu tố đến từ cả hai phía.
Vì vậy, việc kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và kèm cặp để các doanh nghiệp FDI này đặt hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ, từ đó các doanh nghiệp CNHT Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây sẽ là yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn các nước khi thu hút đầu tư.
Theo ông Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón dòng vốn FDI dịch chuyển nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch cũng như những cẳng thẳng địa chính trị trên thế giới. Điều này đòi hỏi, chúng ta cần phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, bổ sung chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Patrick Gelsinger, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel đánh giá: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nền kinh tế năng động, thị trường đầy tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong bối cảnh rất khó khăn vừa qua trên toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt, giúp Intel Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng trong đại dịch. Thời gian tới, Intel sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn mới theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định: Chiến tranh thương mại, dịch COVID-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu sắp xếp lại, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện tử Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ cao và công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, từ đó gia tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy cơ hội của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Song để tận dụng được cơ hội, chính các doanh nghiệp nội địa cần nỗ lực hơn trong việc cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực./.
Theo VNBusiness