Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu và cụm công nghiệp cả nước sẽ đạt mức 300.000 – 350.000 ha. Ảnh: Khu Công nghệ cao, quận 9, TPHCM. TTXVN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất để xây dựng luật, dự kiến tên gọi là Luật Khu công nghiệp và Khu Kinh tế, hiện đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất.
TTXVN đưa tin, liên quan tới những cơ chế chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, tại họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3-4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 6 nhóm chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này.
Đây là các nhóm chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Đầu tiên là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhóm chính sách tiếp theo là hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, chuyên biệt, có tính đặc thù cao, ví dụ loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, xanh, sản xuất chip, mang tính chất bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo; gắn với xu thế mới sử dụng về năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Tiếp đến là phát triển các khu đô thị có tính chất tổng hợp (các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị-dịch vụ). Chính sách này nhằm lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo công ăn việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, là nơi sinh sống của các chuyên gia, tạo tiện ích công cộng xã hội cho cộng đồng, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này.
Bên cạnh đó là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đây và khuyến khích phát triển các khu công nghiệp này.
Khi thông qua các chính sách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn nhắm đến việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp vừa thí điểm, vừa có quy định mới để có thể tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.