Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV. Đây là một trong những Luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng là để phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án.
Bởi vậy, trong năm nay, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh Bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Cả hai văn bản quy phạm pháp luật này dự báo sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản - ông Khởi chia sẻ.
Năm 2021, dù chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn. Trong vòng 3 năm qua, giá bất động vẫn tăng, một số khu vực vừa rồi tăng "nóng" đối với phân khúc đất nền. Tuy nhiên, theo ông Khởi, việc tăng "nóng" này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Trước những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch COVID-19 được kiểm soát, dự báo thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. Hiện nay, khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh dần được khống chế thì thị trường cũng cho thấy sự quan tâm đang trở lại, thậm chí sẽ xuất hiện tâm lý mua sắm bù.
Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, lĩnh vực bất động sản, nhà ở vẫn còn gặp một số bất cập trong pháp lý, cần phải cải thiện trong thời gian tới./.
Nguồn TTXVN