Dù GDP năm 2023 tăng thấp hơn mục tiêu đề ra (đạt 5,05%), song mức tăng này vẫn cao so với thế giới và khu vực (GDP của Mỹ tăng 2,5%, Hàn Quốc 1,4%, Singapore 1,2%, Thái Lan 1,9%...). Bốn tháng đầu năm 2024, GDP tăng 5,66%, cũng là mức cao nhất giai đoạn 2020 - 2023. Kinh tế duy trì đà tăng tích cực ở cả ba khu vực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tăng 7,4% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Sức hút của VN như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực được chứng minh qua cam kết đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trong những ngành công nghệ mới như chip bán dẫn hay năng lượng tái tạo. Chỉ trong thời gian ngắn, VN đã đón hàng loạt lãnh đạo của các "ông lớn" công nghệ như Apple, NVIDIA…
Quyết tâm "dọn tổ đón đại bàng" đang được Chính phủ nỗ lực thực hiện từng ngày, từ cải cách thủ tục, hoàn thiện hạ tầng năng lượng, giao thông, đến đào tạo nhân lực... Chỉ tính riêng giao thông, tính đến cuối tháng 4, tổng số km cao tốc được đưa vào khai thác tăng lên hơn 2.000 km, kéo gần mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025. Cả nước đang trở thành đại công trường tấp nập với khí thế "3 ca, 4 kíp", hàng loạt dự án trọng điểm đồng loạt được triển khai từ Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, cao tốc Bắc - Nam phía đông, phía tây…
Cạnh đó, chính sách an sinh xã hội được triển khai rộng khắp cũng đưa chỉ số phát triển con người của VN tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính phủ cũng đã tiết kiệm để dành nguồn lực rất lớn, tới 680.000 tỉ đồng chi tăng lương tới đây.
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức cả nội tại lẫn tác động từ bên ngoài. Số doanh nghiệp giải thể nhiều hơn số thành lập mới cho thấy cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, để có các giải pháp trợ lực hữu hiệu và kịp thời hơn. Biến động bất thường của thị trường vàng và bất động sản từ đầu năm đến nay, như thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra, cũng đòi hỏi biện pháp quản lý quyết liệt hơn, tránh rủi ro cho người dân. Đặc biệt, không để khoảng cách giàu nghèo bị kéo rộng, người lao động thu nhập thấp không có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở vì giá nhà "trên trời", trong khi nguồn cung nhà ở xã hội quá thiếu.
Năm 2024 là năm bản lề đặc biệt quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Công việc nửa cuối năm như Chính phủ đánh giá là "rất nặng nề". Không chỉ giữ nhịp tăng trưởng cao, mà cần thêm những thay đổi quyết liệt trong điều hành để xử lý những khó khăn, thách thức đã được nhận diện rõ.
Quy mô nền kinh tế VN đã tăng hơn 100 lần trong 4 thập niên, từ 4 tỉ USD lên 430 tỉ USD vào năm 2023, đưa VN vào nhóm các nước trung bình cao. Phát triển ổn định, thu hút đầu tư lớn sẽ là tiền đề căn cơ để VN đạt mục tiêu thành nước phát triển vào năm 2045, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Theo Thanh niên online