Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã bước sang năm thứ 9. Từ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 của chúng ta và kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã dẫn đến cuộc đối mặt quân sự trực diện Việt - Pháp tại Điện Biên Phủ. Đây là một trận đánh mang tính chất quyết chiến chiến lược của cả hai bên trong một cuộc chiến tranh.
Nằm ở miền Tây Bắc Tổ quốc, gần sát với biên giới Việt Nam và Lào, Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn giữa bốn bên là núi rừng trùng điệp. Trung tâm của thung lũng là cánh đồng Mường Thanh khá bằng phẳng có chiều dài gần 20km, chỗ rộng nhất từ 6 đến 8km. Giữa lòng chảo Điện Biên Phủ có con sông Nậm Rốm chảy theo hướng Nam - Bắc mang nước và phù sa tạo nên cánh đồng Mường Thanh trù phú, đông đúc bậc nhất vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc. Điện Biên Phủ cách Hà Nội hơn 400km, cách Luông Pra Băng (Lào) khoảng 200km đường chim bay. Dân số Điện Biên Phủ vào giữa thế kỷ XX gần 2 vạn người thuộc 11 dân tộc. Sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1889, thực dân Pháp đã xây dựng sân bay Mường Thanh. Theo đánh giá của các tướng lĩnh Pháp - Mỹ thì Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng của khu vực Đông Nam Á.
Ngày 20/11/1953, 63 chuyến bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù và chiến cụ xuống Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Bắt đầu từ ngày 20-11-1953, thực dân Pháp đã nhanh chóng tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực lúc cao nhất là 16.200 người gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (12 chiếc), 1 đại đội vận tải. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm ở ba phân khu. Nhiều tướng lĩnh Pháp, Mỹ đã đến Điện Biên Phủ và tuyên bố đây là một pháo đài quân sự "bất khả xâm phạm", một "con nhím" để tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của đối phương. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã lấy Điện Biên Phủ làm nơi "thách đấu" với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Tại Chiến khu Việt Bắc, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị đã họp và thông qua kế hoạch tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ do Tổng Quân ủy soạn thảo. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Bộ tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ còn có các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang...
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.
Với tinh thần cả nước hướng về Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động đến mức tối đa cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Về lực lượng quân sự, chúng ta đã huy động năm đại đoàn chủ lực, là các đại đoàn 308, 304, 312, 316, 351 với tổng lực lượng xấp xỉ 5,5 vạn người. Lực lượng dân công, thanh niên xung phong được huy động khoảng 26 vạn từ miền xuôi đến miền ngược ở các tỉnh Liên khu IV trở ra đã góp phần to lớn vào thắng lợi ở Điện Biên Phủ.
Sau một quá trình chuẩn bị công phu, với phương án "đánh chắc, thắng chắc", chiều 13-3-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được mở đầu bằng việc đánh chiếm cứ điểm đồn Him Lam ở phía Bắc cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm 3 đợt.
- Đợt một từ 13-3-1954 đến 17-3-1954: đánh vào các vị trí ở phân khu phía Bắc: Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, Bản Kéo.
- Đợt hai từ ngày 30-3-1954 đến 26-4-1954: đánh vào phân khu trung tâm Mường Thanh ở vòng ngoài. Cuộc chiến đấu đã diễn ra hết sức quyết liệt trên các cứ điểm ở sườn phía đông phân khu Mường Thanh như các trận đánh ở đồi A1, C1...
- Đợt ba từ 01-5-1954 đến 7-5-1954: đánh vào trung tâm sào huyệt của Điện Biên Phủ và phân khu phía Nam là khu vực Hồng Cúm.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu
Vào lúc 17h30' ngày 7-5-1954, tướng Đờ Caxtơri và toàn bộ Ban tham mưu đã dương cờ trắng đầu hàng tại hầm chỉ huy ở Trung tâm Mường Thanh. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi sau 56 ngày đêm.
Tổng số quân địch bị tiêu diệt, bắt sống là 16.200 tên. Trong đó có 1 thiếu tướng, 10 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hệ thống phòng thủ vững chắc đã bị quân đội ta tiêu diệt.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận đại thắng lớn nhất của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ "đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng - một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc"(1).
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần to lớn vào việc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là một chiến thắng thể hiện sự đúng đắn về đường lối kháng chiến của Đảng, sức mạnh của cả dân tộc và nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lênin và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là tiếng chuông báo tử cho chủ nghĩa thực dân cũ, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do thiêng liêng của mình.
(1)Lê Duẩn: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới” , Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr. 50.
Thọ Anh