Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong nhiều năm nay. Trong thời gian qua, các luật này đã phát huy giá trị trong quản lý nhà nước về xây dựng và kinh doanh BĐS, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều quy định đã và đang là công cụ pháp lý hữu hiệu cho hoạt động quản lý, kiểm soát và định hướng tốt đối với thị trường BĐS và đối với hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS của doanh nghiệp cũng như hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS, nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều và yêu cầu bứt phá của quy hoạch đô thị, nhiều quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này cần phải thay đổi, cập nhật, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể như: quy định về kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, quy định về chuyển nhượng dự án, quy định về chuyển nhượng dự án để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và quy định về việc xác định mục đích kinh doanh BĐS… Qua đó, hạn chế để xảy ra tình trạng lợi dụng các “kẽ hở” của pháp luật để trục lợi; không còn những rào cản về cơ chế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh BĐS, xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp.
Để thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, xây dựng, quy hoạch đô thị sao cho đồng bộ, thống nhất và phù hợp thực tiễn, đòi hỏi đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành cần có ghi nhận từ thực tế. Từ đó đánh giá được những hiệu quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn; ghi nhận những kiến nghị từ địa phương, cơ sở. Trên cơ sở đó theo thẩm quyền thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản mới bảo đảm chất lượng, giải quyết được các nội dung vướng mắc, bất cập. Đồng thời, việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia trên các lĩnh vực kinh doanh BĐS, xây dựng, quy hoạch đô thị để có cái nhìn toàn diện, khách quan, đồng bộ và khoa học hơn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.
Tại nhiều địa phương, hoạt động kinh doanh BĐS, xây dựng phát triển mạnh mẽ, có nhiều đô thị đang phát triển. Việc hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân lao động. Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh BĐS theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quy hoạch đô thị hướng đến sự phát triển bền vững./.
Theo Báo Đồng Nai