Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thành công rất tốt đẹp. Sau chuyến thăm, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, Trung Quốc đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam với nhiều nghi thức chưa từng có tiền lệ. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã giới thiệu 6 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khoá mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX, Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hai nước và hai đảng? Bối cảnh diễn ra chuyến thăm có những điểm gì đặc biệt? Ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và có tác dụng định hướng như thế nào trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?
Câu hỏi này đặt ra từ một góc độ rất hay. Nhìn từ vai trò, vị thế của Trung Quốc và Việt Nam có thể thấy hai nước đều có vai trò, vị trí quan trọng trong cục diện đối ngoại của nhau. Tính quan trọng này được thể hiện rất đầy đủ trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa diễn ra thành công. Sở dĩ quan hệ giữa hai nước chúng ta khác với quan hệ song phương với các nước khác bởi vì Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, quan hệ hai Đảng có vai trò định hướng trong quan hệ hai nước, thể hiện quan hệ chung của cả hai nước.
Hai Đảng Cộng sản có lịch sử quan hệ lâu đời hơn cả quan hệ của hai nhà nước. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thành lập đến nay, hai đảng đã thiết lập mối quan hệ nồng thắm với gần 100 năm. Điều này có tính dẫn dắt chiến lược và thể hiện vị trí, vai trò rất đặc biệt của hai nước trong quan hệ đối ngoại của nhau. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát chúng ta “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và trong quá trình tìm ra con đường cứu nước đã cùng tìm được một con đường chung, một lý tưởng, niềm tin, chí hướng chung đó là đều trở thành quốc gia XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc có vai trò quan trọng khi đã kế thừa quá khứ và hướng tới tương lai.
Đối với Trung Quốc, chúng tôi vừa kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2021), hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, xây dựng một xã hội khá giả toàn diện và mở ra hành trình mới, phấn đấu tiến đến mục tiêu 100 năm lần thứ hai.
Còn đối với Việt Nam, sau Đại hội XIII đã mở ra một hành trình mới, chặng đường mới và đang phấn đấu thực hiện hai mục tiêu đó là 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Sau khi Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành thắng lợi, chúng tôi được chào đón đoàn đại biểu Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Chuyến thăm với ý nghĩa không chỉ tăng cường trao đổi giữa lãnh đạo cao nhất của hai đảng mà còn là sự trao đổi kịp thời giữa tập thể lãnh đạo hai đảng.
Trong chuyến thăm này, đoàn Việt Nam ngoài Tổng Bí thư còn có 6 Ủy viên Bộ Chính trị. Còn phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã giới thiệu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tất cả Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới được bầu tại Đại hội XX. Đây là cơ hội quan trọng để hai tập thể lãnh đạo hai nước trao đổi với nhau.
Kết quả sau chuyến thăm chắc chắn sẽ có ý nghĩa định hướng đối với sự hợp tác, phát triển trong thời gian tới giữa hai đảng, hai nước.
Tôi xin nhấn mạnh thêm một điểm, đó là ý nghĩa của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và ảnh hưởng của quan hệ hai nước đã vượt qua ý nghĩa của quan hệ song phương, mang tính chất cao hơn. Điều này được thể hiện trong hội đàm giữa hai Tổng Bí thư. Và trong tuyên bố Trung Quốc-Việt Nam có câu “thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đảng và xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi đảng không ngừng phát triển, cùng nỗ lực vì sự nghiệp hòa bình, tiến bộ của nhân loại”.
Chắc chắn sau chuyến thăm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời kỳ mới, tình hình mới sẽ đạt nhiều phát triển và lên một tầm cao.
Trong chuyến thăm vừa qua, hai lãnh đạo đã thảo luận những nội dung quan trọng nào và điều gì khiến Đại sứ đặc biệt chú ý?
Các bạn chắc đều đã đọc báo chí hai nước đưa tin thì có thể thấy Trung Quốc đã thu xếp, đón Tổng Bí thư và đoàn Việt Nam với mức lễ tân cao nhất và có nhiều điểm đặc biệt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài cao nhất, đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX; cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên mà Trung Quốc đón tiếp với nghi thức chính thức cấp nhà nước kể từ sau đại dịch Covid 19 bùng phát.
Và đây là lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi tổ chức bắn đại bác tại Quảng trường Thiên An Môn, long trọng tổ chức lễ đón, lễ duyệt binh.
Ngoài hội đàm chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn dự tiệc trà với Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong bầu không khí thoải mái, thân thiện, nghĩa tình. Đây là nghi thức rất hiếm thấy khi lãnh đạo Trung Quốc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài.
Trong chuyến thăm có điểm nhấn nổi bật đó chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã trao tặng Huân chương Hữu Nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Huân chương Hữu nghị dành tặng cho những nhân sĩ nước ngoài có đóng góp kiệt xuất trong sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa XHCN của Trung Quốc, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài và gìn giữ hòa bình thế giới. Đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho nhân sĩ nước ngoài của Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nói: “Chúng tôi trao tặng Huân chương Hữu nghị này thể hiện tình cảm nồng thắm của Đảng, nhà nước, nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Phú Trọng cũng như đối với Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam; thể hiện sự coi trọng và sự kính trọng của Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Như tôi nói, Tổng Bí thư Tập Cận Bình còn giới thiệu 6 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam, đây cũng là điều rất hiếm thấy. Cho nên có thể khẳng định cách đón tiếp của Trung Quốc lần này có nhiều đột phá và chưa từng có tiền lệ.
Chuyến thăm này là cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng Bí thư sau 5 năm và hai Tổng Bí thư là bạn cũ, đã rất quen nhau, “là đối tác tốt, là đồng chí tốt và cũng là bạn bè tốt”.
Trong các cuộc gặp, lãnh đạo cao nhất hai đảng đã thông báo cho nhau tình hình phát triển của mỗi nước và kết quả hợp tác mà hai nước đã đạt được. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình giới thiệu kết quả Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai bên đã đạt những nhận thức chung quan trọng, khi khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ và trao đổi kinh nghiệm hai nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều thách thức, hai lãnh đạo cũng đã trao đổi về tình hình quốc tế và các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai Tổng Bí thư đã trao đổi rất sâu rộng về sự phát triển lâu dài của hai nước, đưa ra những định hướng cho hợp tác thiết thực trên mọi lĩnh vực. Tất cả những điều này đều đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố chung.
Tôi cho rằng thành quả quan trọng nhất trong chuyến thăm đó là chúng ta đã đạt được nhận thức chung về chính trị, khi hai bên đều khẳng định, ghi nhận về thành quả phát triển trên con đường XHCN của nhau.
Việt Nam đã đánh giá rất cao thành công của Đại hội XX cũng như những thành tựu của Trung Quốc trong 5 năm và 10 năm trở lại đây.
Trung Quốc cũng đã đánh giá cao những thành quả mà Việt Nam đã được kể từ sau Đại hội XIII. Hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau đi theo đường XHCN và thực hiện những mục tiêu dài hạn.
Tôi cho rằng đây là thành quả nổi bật nhất, bởi vì nhận thức chính trị là quan trọng nhất.
Ngoài ra, Tuyên bố chung giữa hai nước cũng là một văn kiện rất đáng được quan tâm, đây là văn bản chính thức, được tuyên bố rộng rãi. Hai nước còn ký được 13 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Xin Đại sứ kể về ấn tượng của mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hay câu chuyện liên quan đến giao lưu qua lại giữa hai nhà lãnh đạo?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là hai nhà lãnh đạo có rất nhiều điểm chung và trong đó nổi bật nhất đều là nhà tư tưởng, chính trị, lý luận kiệt xuất.
Hai nhà lãnh đạo đều phát huy vai trò không thể thay thế được đối với sự nghiệp của mỗi nước, mỗi đảng cũng như sự phát triển trong quan hệ hai nước.
Và như tôi đã nói thì hai ông là đồng chí tốt và bạn bè tốt, cùng chung chí hướng.
Sự giao lưu, trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ năm 2011. Khi đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc và ông đã đến thăm Việt Nam, có trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi, giao lưu rất thường xuyên và đặc biệt vào các năm 2015 và 2017 hai Tổng Bí thư đã thực hiện các chuyến thăm viếng lẫn nhau.
Sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, nước đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm đó chính là Việt Nam, chuyến thăm để lại ấn tượng tốt đẹp cho cả hai bên. Trong chuyến thăm đó, hai Tổng Bí thư đã cùng vào thăm Nhà sàn Bác Hồ và uống trà tại đây, đi dạo trên Đường Xoài, có những trao đổi rất sâu rộng, thiết thực.
Sự định hướng, dẫn dắt chiến lược của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng có vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời đại mới. Chúng ta đều rất trân trọng điều đó.
Tuy rằng trong mấy năm xảy ra đại dịch Covid-19, hai nhà lãnh đạo không thể gặp mặt trực tiếp nhưng đã thông qua nhiều hình thức linh hoạt như điện đàm, gửi thư, gửi quà Tết cho nhau… duy trì trao đổi thường xuyên.
Chúng tôi tin tưởng rằng, cuộc gặp giữa hai Tổng Bí thư sau 5 năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ Trung-Việt, đối với sự nghiệp XHCN của mỗi nước.
Tôi xin tóm tắt ý nghĩa của chuyến thăm này với 4 từ đó là “Quan trọng – Thân thiết – Hữu nghị - Thành quả phong phú”.
Quan trọng bởi đây là chuyến thăm mang tính lịch sử sẽ để lại dấu ấn quan trọng trong quan hệ Trung-Việt và sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng, vượt quá phạm vi quan hệ song phương hai nước; nhận được sự quan tâm, theo dõi của nhân dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Thân thiết là do chuyến thăm không những thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước mà còn thể hiện được tình cảm nồng thắm giữa hai Tổng Bí thư. Cuộc gặp mặt của hai Tổng Bí thư có ý nghĩa quan trọng khi hai ông là hai nhà lý luận, tư tưởng kiệt xuất.
Tôi có đọc biên bản cuộc nói chuyện giữa hai Tổng Bí thư thì được biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói "khi trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy rằng, nói càng nhiều, càng thấy thú vị và càng thấy thân thiết”.
Hữu nghị là vì trước, trong và sau chuyến thăm đều diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành. Với điểm nhấn nổi bật là lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thành quả phong phú được thể hiện rất rõ trong Tuyên bố chung giữa hai nước và 13 thỏa thuận được ký, thể hiện nhận thức chung chính trị mà hai lãnh đạo đã đạt được và tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước. Thành quả của chuyến thăm không những có ảnh hưởng lâu dài với quan hệ hai nước mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Theo Vietnamnet