Trả lời (tiếp theo và hết)
Ba là, định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh
Thứ nhất, định hướng về quy mô, loại hình chất thải, phạm vi phục vụ của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh bao gồm:
- Khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia có công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, tái chế chất thải, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; quy mô, công suất xử lý chất thải lớn, phù hợp theo từng dự án đầu tư; xử lý được nhiều chủng loại chất thải nguy hại khó xử lý, có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý trên toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường, trên địa bàn tỉnh (nơi đặt khu xử lý cấp quốc gia) đối với chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
- Khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng có công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, tái chế chất thải, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; quy mô, công suất xử lý phù hợp theo từng dự án đầu tư; xử lý được một số chủng loại chất thải nguy hại khó xử lý; có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý chất thải như sau:
+ Trên địa bàn toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích tái chế;
+ Trong vùng kinh tế - xã hội hoặc vùng giáp ranh đối với chất thải nguy hại không phục vụ cho mục đích tái chế, chất thải rắn công nghiệp thông thường;
+ Trên địa bàn tỉnh (nơi đặt khu xử lý cấp vùng) đối với chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
- Khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh có công suất xử lý phù hợp theo từng dự án đầu tư; có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý chất thải như sau:
+ Trên địa bàn toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích tái chế;
+ Trên địa bàn tỉnh đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn; khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
- Các địa phương có quy hoạch khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng trên địa bàn quản lý chủ động huy động nguồn lực xã hội theo hình thức xã hội hóa hoặc đối tác công tư để triển khai Quy hoạch.
- Ưu tiên tiếp nhận các dự án, cơ sở xử lý chất thải phải di dời, chuyển đổi vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
Thứ hai, định hướng về vị trí đối với các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh
- Lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý chất thải tập trung phải bảo đảm khi xây dựng và vận hành đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường, không ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên, mục đích sử dụng đất.
- Vị trí xây dựng khu xử lý chất thải tập trung phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch khác có liên quan đến quản lý chất thải đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí tại vị trí có khu xử lý chất thải tập trung hiện hữu nhằm hạn chế tối đa việc xây dựng mới.
- Vị trí xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung bảo đảm thuận lợi cho công tác thu gom và vận chuyển chất thải, gần các khu vực phát sinh lượng chất thải lớn, bảo đảm tăng cường kết nối vùng tập trung nguồn thải lớn và hình thành các khu công nghiệp tái chế; thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm dụng đất và giảm ô nhiễm môi trường.
- Vị trí xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của pháp luật.
- Không đầu tư xây dựng mới khu xử lý chất thải tập trung ở khu vực thường xuyên bị ngập nước hoặc có nguy cơ bị ngập nước do nước biển dâng, khu vực địa hình karst, khu vực có hoạt động đứt gẫy kiến tạo, khu vực sử dụng nước mặt của sông, hồ cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Thứ ba, đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định trước đây còn hiệu lực trước thời điểm Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được ban hành mà cơ sở đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ so với giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được cấp và văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch.
- Đối với dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà dự án đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục triển khai theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch.
- Phấn đấu đến năm 2030 di dời các khu xử lý chất thải tập trung, cơ sở xử lý chất thải không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn về môi trường, xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, không đáp ứng yêu cầu về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương về chất thải vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh đã được quy hoạch.
Thứ tư, định hướng về công nghệ cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh
- Đối với công nghệ xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp.
- Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Đa dạng hóa các công nghệ xử lý để giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp trực tiếp. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất, tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả...) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ.
- Tiếp tục tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ.
Thứ năm, đối với các khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định, đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Bốn là, định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh
Thứ nhất, về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia: mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải đảm bảo triển khai thực hiện đối với các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm có: nước mặt, không khí xung quanh, đất, đa dạng sinh học và một số thành phần khác.
- Mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt:
+ Định hướng vị trí quan trắc môi trường nước mặt trên các dòng chính, các hồ của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông lớn đã được quy định trong danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia và trên các sông là nguồn tiếp nhận nước thải của các đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều nguồn nước thải, các điểm quan trắc tại ranh giới giữa các tỉnh.
+ Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; đảm bảo tần suất quan trắc tối thiểu 10 đợt/năm.
- Mạng lưới quan trắc môi trường không khí:
+ Định hướng vị trí quan trắc môi trường nền (quan trắc tự động) đặt tại các khu vực ít tác động từ các nguồn khí thải đại diện cho các vùng phát triển kinh tế - xã hội.
+ Định hướng vị trí quan trắc môi trường tác động (quan trắc định kỳ hoặc tự động) đặt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn tác động (đô thị, giao thông, xây dựng, công nghiệp, dân sinh...); khu vực chịu tác động có tính chất liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới.
+ Định hướng vị trí quan trắc mưa axít lồng ghép với trạm quan trắc khí tượng thủy văn.
+ Định hướng thông số quan trắc tự động, liên tục: Tối thiểu đối với các thông số SO2, NO2, CO, O3, bụi PM2,5, bụi PM10.
+ Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; đảm bảo tần suất quan trắc tối thiểu 08 đợt/năm.
- Mạng lưới quan trắc chất lượng đất: Chương trình quan trắc chất lượng đất quốc gia được xây dựng và thiết kế chi tiết theo các chương trình điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
- Định hướng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường khác: thiết lập các mạng lưới các điểm quan trắc các thành phần môi trường khác (nước dưới đất, nước biển, mưa axit,...) bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ hai, về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh cần được thiết lập có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc môi trường cấp quốc gia, tập trung quan trắc đối với các thành phần môi trường chính gồm: nước mặt, không khí xung quanh, đất và một số thành phần môi trường khác.
- Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước sông:
+ Định hướng vị trí điểm quan trắc trên các sông liên quốc gia, sông liên tỉnh chảy qua địa bàn và trên các sông nội tỉnh. Trong đó, thiết lập tại khu vực đầu nguồn của sông nội tỉnh; khu vực tiếp nhận dòng chảy vào địa bàn; khu vực hợp lưu dòng chảy chính; khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, làng nghề, khai thác khoáng sản, đô thị, du lịch); khu vực nuôi trồng thủy sản; khu vực khai thác nước cấp cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu; các ao, hồ (bao gồm hồ chứa thủy lợi phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động dịch vụ khác), đầm trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, cảnh quan và môi trường.
+ Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt.
+ Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 06 đợt/năm.
- Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước dưới đất:
+ Định hướng vị trí điểm quan trắc tại các khu vực chịu tác động của hoạt động công nghiệp và nông nghiệp; khu vực chịu ảnh hưởng của bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý chất thải tập trung; khu vực khai thác khoáng sản; khu vực chịu ảnh hưởng do tồn lưu hoá chất độc hại, chất phóng xạ (từ các kho vật tư hoá chất nông nghiệp hoặc do chiến tranh để lại); khu vực lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất; khu vực đông dân cư, khu vực tập trung nhiều hoạt động khai thác nước dưới đất; khu vực chịu tác động của các nghĩa trang.
+ Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước dưới đất.
+ Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 01 đợt/03 tháng (04 đợt/năm).
- Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước biển:
+ Định hướng vị trí điểm quan trắc tại các khu vực ven biển; khu vực chịu tác động của nước thải công nghiệp, đô thị, khu du lịch, cảng cá; khu vui chơi, giải trí dưới nước; khu nuôi trồng thủy sản ven biển; khu bảo tồn thiên nhiên ven biển và trên biển, khu Ramsar ven biển, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển; khu vực tuyến giao thông biển.
+ Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước biển.
+ Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 01 đợt/02 tháng (06 đợt/năm).
- Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường không khí:
+ Định hướng vị trí điểm quan trắc môi trường nền tại các khu vực ít chịu tác động của nguồn khí thải; vị trí quan trắc môi trường tác động tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các nguồn thải công nghiệp, đô thị, giao thông, xây dựng, bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý chất thải tập trung, dân sinh, làng nghề, khu vực giáp ranh địa giới hành chính với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biên giới với các quốc gia khác.
+ Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng không khí.
+ Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 06 đợt/năm (01 đợt/02 tháng).
- Đối với mạng lưới quan trắc môi trường đất:
+ Định hướng vị trí điểm quan trắc: (i) tại các khu vực đất ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do địa phương điều tra chi tiết, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm, chưa được bổ sung vào Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (ii) tại các khu vực đất ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng sau khi được xử lý, nằm trong kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (iii) khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm.
+ Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng đất.
Thứ ba, số lượng vị trí quan trắc, thông số quan trắc, tần suất quan trắc của mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia được quy định chi tiết trong Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ tư, căn cứ các định hướng về quan trắc môi trường trong Quy hoạch này, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh.
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
T.T