Trả lời
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề “bảo vệ môi trường” và “phát triển bền vững” là những mục tiêu quan trọng trong việc đảm bảo một tương lai bền vững cho con người và hành tinh nói chung và Việt Nam nói riêng và đã trở thành những chủ đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Ngày 08/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ định hướng bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể là:
Một là, định hướng phân vùng môi trường
Việc phân vùng môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Hai là, định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Vườn quốc gia: Chuyển tiếp, chuyển hạng và thành lập mới hệ thống vườn quốc gia đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan để bảo tồn hiệu quả các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học trên đất liền, ven biển và vùng biển, duy trì độ che phủ rừng đạt tối thiểu 42 - 43%, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch sinh thái.
Khu dự trữ thiên nhiên: Chuyển tiếp và thành lập mới hệ thống khu dự trữ thiên nhiên đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan nhằm bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên và các loài hoang dã đặc hữu hoặc đang bị đe dọa, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; các giá trị độc đáo của tự nhiên hoặc văn hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh: Chuyển tiếp và thành lập mới các khu bảo tồn loài và sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo tồn các loài hoang dã, hệ sinh thái tự nhiên là nơi sinh sống, cư trú của các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Khu bảo vệ cảnh quan: Chuyển tiếp và thành lập mới các khu bảo vệ cảnh quan đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo vệ nguyên vẹn các cảnh quan tự nhiên có giá trị thẩm mỹ, khoa học, văn hóa và giáo dục môi trường.
Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: Chuyển tiếp và thành lập mới các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoạt động theo pháp luật về đa dạng sinh học để lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hoang dã, giống cây trồng, vật nuôi, loài nguy cấp, quý, hiếm. Nâng cấp, phát triển và cấp giấy chứng nhận là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với các vườn thực vật, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, vườn cây thuốc, ngân hàng gen, bảo tàng thiên nhiên.
Hành lang đa dạng sinh học: Chuyển tiếp và thành lập mới các hành lang đa dạng sinh học đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để tăng cường chức năng kết nối các vùng sinh thái tự nhiên, tăng tính kết nối các hệ sinh thái tự nhiên và mở rộng sinh cảnh sống của các loài sinh vật hoang dã.
Khu vực đa dạng sinh học cao: Hình thành các khu vực đa dạng sinh học cao đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã.
Cảnh quan thiên nhiên quan trọng: Thành lập các cảnh quan thiên nhiên quan trọng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, sinh cảnh sống tự nhiên của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, bị đe dọa được ưu tiên bảo vệ.
Vùng đất ngập nước quan trọng: Hình thành các vùng đất ngập nước quan trọng đối với những khu vực đất ngập nước ven biển, ven đảo và đất ngập nước nội địa đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, tài nguyên động vật, thực vật hoang dã; bảo vệ môi trường và duy trì dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực khác để nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ các-bon hướng tới trung hòa phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050 và tham gia thị trường các-bon.
(Còn tiếp)
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
T.T