Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và có vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội. Sự phát triển ồ ạt của nhiều mạng xã hội khiến học sinh, sinh viên càng có cơ hội tham gia vào thế giới thông tin với kết nối rộng lớn, cùng lúc tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau. Tuy nhiên, với lượng thông tin lớn chưa qua kiểm duyệt được tung lên mạng xã hội mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay, nhất là các đối tượng xấu không ngừng ra sức chống phá, nói xấu Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến học sinh, sinh viên trước những thông tin xấu, độc là điều hết sức cần thiết. Bởi, ở lứa tuổi học sinh, sinh viên thường thích khám phá, muốn tự khẳng định bản thân mình, trong khi nhận thức về xã hội của các em còn hạn chế, các em dễ bị “nhiễm độc” trước thông tin tiêu cực, dễ bị hùa theo đám đông.
Báo điện tử và mạng xã hội được sinh viên lựa chọn nhiều nhất, vì tốc độ cập nhật thông tin nhanh và tiện lợi, có tính tương tác cao. Vì vậy, hiện đang có một sự dịch chuyển trong thói quen sử dụng phương tiện truyền thông của các bạn trẻ. Trong đó, truyền thông xã hội là phương tiện truyền thông yêu thích nhất của các bạn học sinh, sinh viên.
Nhiều học sinh, sinh viên cho biết, phương tiện truyền thông được các bạn trẻ yêu thích là truyền thông xã hội, “vì nó được cập nhật liên tục và nhanh chóng”, “vì tính tương tác của các bài đăng cao hơn, giúp người đọc có thêm nhiều góc nhìn về một vấn đề”, “do dễ thao tác, kết nối và có thể cập nhật thông tin đồng thời cả giải trí”, “trong thời đại công nghệ số như ngày nay thì mạng xã hội ngày càng phát triển, với những trang nổi tiếng cùng những nội dung được đăng tải vô cùng phong phú, đa dạng, vừa thuận lợi cho việc học tập, vừa cho giải trí, hay chăm sóc sức khỏe, kết nối với bạn bè bốn phương”... Mạng xã hội đã vượt lên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, truyền hình, phát thanh và báo điện tử để trở thành kênh tiếp nhận tin tức thời sự phổ biến nhất với các bạn học sinh, sinh viên. Mạng xã hội được dùng phổ biến nhất trong học sinh, sinh viên là Facebook, Youtube, Tiktok. Trong đó, dù Tiktok là một mạng xã hội mới, nhưng đã phát triển rất nhanh và được sử dụng khá phổ biến trong các bạn trẻ.
Vì vậy, muốn thông tin trên mạng xã hội phù hợp với tâm lý của học sinh, sinh viên, các cơ quan báo chí phải xây dựng những thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa... Đặc biệt là kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, thông tin đồ họa, tin theo dòng sự kiện... Đây là những sự kiện, sự việc có thật, đang diễn ra nên được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm, thuyết phục không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình. Các thông tin được đăng tải trên nhiều các nền tảng khác nhau: Máy tính, thiết bị di động, báo trực tuyến và đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo…
Với quan điểm đó, các cơ quan báo chí cần sử dụng nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục về việc sử dụng mạng xã hội để học sinh, sinh viên hiểu và nắm bắt tâm lý cũng như nhu cầu sử dụng. Trong đó, đăng tải nhiều tin, bài chính thống để thông tin các vấn đề mang tính thời sự đến học sinh, sinh viên như phản bác những thông tin xấu, độc bằng việc chia sẻ những thông tin tích cực, được đông đảo học sinh, sinh viên đón nhận. Cách làm này, sẽ góp phần tích cực để học sinh, sinh viên sau khi tiếp cận thông tin trên báo có thể “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, nhất là những thông tin “nóng”, “nhạy cảm” xuất hiện trên các trang mạng xã hội, từ đó có các bài viết định hướng, thông tin nhằm tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, sinh viên tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, tránh việc chia sẻ, lan truyền thông tin từ nguồn chưa chính thống, nguồn xuất phát từ các trang facebook, zalo… của cá nhân được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội…
Để góp phần tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên trong tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, trở thành người có đạo đức, biết đối nhân xử thế, biết tận dụng các lợi thế từ mạng xã hội vận dụng vào học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những công dân tốt trong tương lai, cần thực hiện tốt các giải pháp. Đó là, tăng cường quản lý, giáo dục từ gia đình và nhà trường. Để có thể quản lý, giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội cho học sinh, sinh viên hướng đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân và cộng đồng, các bậc cha mẹ, thầy cô cũng phải hiểu biết về mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh, không nên phê phán bừa bãi, hay chỉ lên án những tiêu cực của mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ. Từ phía nhà trường, cũng cần có những trang thông tin, nhằm tạo sân chơi trên mạng xã hội lành mạnh và mang tính định hướng cho học sinh, sinh viên. Những trang này phải do nhà trường trực tiếp đứng ra điều hành và kiểm duyệt thông tin. Bên cạnh đó, cần nâng cao tính định hướng của truyền thông. Bởi hiện nay tại nước ta, mạng xã hội đã sở hữu một số lượng thành viên khổng lồ, chủ yếu là học sinh, sinh viên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường công chúng của báo chí truyền thống, mà trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí càng nặng thêm.
Tuy nhiên, hiện nay, những người tham gia vào diễn đàn mạng xã hội không phải ai cũng có kiến thức, trình độ và văn hóa nhất định. Một khi diễn đàn mạng xã hội chưa trung thực, hoặc “sạch” theo đúng nghĩa thì nhóm công chúng là học sinh, sinh viên rất dễ hoang mang, bị kích động. Vì vậy, để giúp cho học sinh, sinh viên có những nhận thức đúng đắn, không hiểu sai, bị kẻ xấu lợi dụng, báo chí truyền thống phải giúp định hướng thông tin cho học sinh, sinh viên trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.Ngoài ra, cần dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho mạng xã hội. Xây dựng khung pháp lý và thi hành một cách chuẩn mực về tiêu chuẩn thông tin trên mạng xã hội, loại trừ bằng được những trường hợp lan truyền “tin giả”. Việc này không chỉ bảo vệ giá trị cho báo chí chính danh, mà còn thanh lọc môi trường truyền thông, giảm thiểu tình trạng nhiễu tin tức như hiện nay.
Các cơ quan quản lý cũng cần có những quy định rõ ràng về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, chế tài xử phạt những hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. Kiên quyết loại bỏ những trang mạng xã hội, trang web gây nhiễu loạn dư luận xã hội, đề cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội./.
PV