Trả lời:
Quy định về kỷ luật, kỷ cương đoàn kết trong một cơ quan rất quan trọng, nhất là ở cương vị, vai trò quản lý nhà nước để thực hiện quản lý cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên ngoài việc học tập, soi chiếu Quy định 144 để tự răn mình, sửa mình còn cần phải giúp đỡ đồng chí trong tổ chức, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.
Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm gồm 4 khoản:
Khoản 1: "Đoàn kết" nghĩa là phải "Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện". Người Đảng viên luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong tổ chức và nhân dân, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện chia rẽ, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm.
Khoản 2: "Kỷ cương" nghĩa là phải "Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức". Điều cần lưu ý là nội dung về “kỷ cương” yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần phải giữa nghiêm kỷ luật phát ngôn cũng như “phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức” vì những nội dung này đang có biểu hiện vi phạm khá nhiều thời gian gần đây.
Khoản 3: "Tình thương" nghĩa là phải "Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ". Khoản này thể hiện tính nhân văn và đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam: “Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ”. Giữa những người đồng chí, giữa Đảng viên với các tầng lớp quần chúng nhân dân, ... cần phải nêu cao "tình thương" để chia sẻ, giúp đỡ nhau, chỉ ra những mặt được, chưa được, những tồn tại, hạn chế để cùng nhau khắc phục. Nội dung này nhắc nhở mỗi đảng viên, tổ chức đảng bằng tình thương và trách nhiệm sẽ cùng nhau tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân, gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Khoản 4: "Trách nhiệm" nghĩa là phải "Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội". Thời gian vừa qua, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức là rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, Quy định 144-QĐ/TW nhấn mạnh nội dung “trách nhiệm” là rất cần thiết và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Về nguyên nhân của bệnh sợ trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”. Người yêu cầu: “...quyết không vì lợi riêng mà hại đến lợi chung. Mọi việc đều để lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên hết”.
Cùng với Quy định 144, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các quy định này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, người đứng đầu được giao quyền lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tài, đủ đức để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Quy định 142 ngăn chặn được tình trạng “địa phương chủ nghĩa”, “cá nhân chủ nghĩa”, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cục bộ bè phái… lâu nay vẫn tồn tại ở một số địa phương, đơn vị và nguyên nhân là do sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Quy định 148 nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời cũng trao cho người có thẩm quyền được chủ động xử lý cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là giải pháp rất quan trọng và phù hợp để chấn chỉnh thực trạng tác phong, tư cách lệch lạc, tiêu cực, quan liêu, thờ ơ với công việc chung… của cán bộ; đồng thời, ngăn chặn kịp thời căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang xuất hiện ở một số nơi./.
Quang Minh (tổng hợp)