Suy yếu các động lực tăng trưởng
Nhiều ý kiến cho rằng, đó là do nhiều người không có việc làm, hàng loạt công nhân thất nghiệp khi nhiều công ty chưa tìm được đơn hàng, trong khi Tết Nguyên đán lại đến gần, nếu ở lại Tp.HCM phải chịu áp lực chi phí, cho nên về quê sớm là điều khả dĩ.
Điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ ở Tp.HCM trong mùa tiêu dùng cuối năm nay khi một bộ phận người dân kéo nhau về quê, tức là giảm đi một phần sức mua. Đó là chưa kể người tiêu dùng đang có xu hướng tiết giảm trong mua sắm, tập trung vào hàng thiết yếu, có giá vừa phải.
Trong đánh giá tháng 12/2022, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, ngành bán lẻ đối mặt nhiều áp lực, nhất là áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế giảm tốc. Một trong nguyên nhân chính là vì tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng trở lại do nhu cầu cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp (DN) ngừng kinh doanh gia tăng.
Ngoài ra, phải kể đến việc tăng lãi suất và áp lực lạm phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ nội địa và hành vi mua sắm, kiều hối suy giảm do tình trạng khó khăn chung, ngành du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng do các yếu tố như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, các rào cản du lịch quốc tế liên quan đến nỗ lực kiểm soát Covid-19, và chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc.
Vì thế, chuyên gia phân tích của Mirae Asset đã hạ triển vọng ngành bán lẻ từ tích cực xuống trung tính dựa vào sự suy yếu của các động lực tăng trưởng như nêu trên.
Áp lực đối với ngành bán lẻ trong mùa tiêu dùng cuối năm có thể thấy rõ từ một DN hàng đầu trong ngành như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Giới phân tích cho rằng, chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) của công ty này vẫn chưa thể xác định thời gian đạt điểm hòa vốn, mục tiêu doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi cửa hàng đạt 1,5-1,6 tỷ đồng vào cuối năm 2022 cũng sẽ khó hoàn thành trong năm 2022 hoặc 2023.
Không chỉ vậy, ngoài việc chuỗi BHX sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong 1-2 năm tới, nhu cầu đối với các mặt hàng điện tử và điện máy suy giảm được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của MWG.
Cần tìm hướng đi mới
Riêng với các DN bán lẻ ở ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu được cho là đang chịu tác động ròng tiêu cực từ môi trường tài chính kém thuận lợi trong thời điểm cuối năm. Và chỉ có những công ty nào có nền tảng tài chính mạnh thì mới có thể giảm thiểu được phần nào tiêu cực.
Ở nhóm hàng này, như lưu ý về mặt rủi ro của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đó là việc cắt giảm việc làm tác động đến nhóm người tiêu dùng công nhân. Hơn nữa, sức mua giảm mạnh hơn kỳ vọng, dưới áp lực lạm phát và lãi suất tăng và biến động tỷ giá, rồi nguồn cung tiếp tục thiếu hụt, do chính sách “Zero-Covid” tại Trung Quốc, thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng đến nhu cầu điện máy.
Giữa nhiều tín hiệu không mấy khả quan, các DN bán lẻ đang phải đối mặt áp lực cạnh tranh khốc liệt. Chẳng hạn, vào thời điểm này, thị trường giỏ quà Tết được ghi nhận có nhiều DN tham gia. Để kéo người mua về phía mình, nhiều nhà sản xuất, phân phối chào hàng suất quà Tết số lượng lớn với mức chiết khấu lên tới 35%.
Tuy vậy, theo đánh giá chung, các suất quà Tết dạng phổ thông (tặng nhân viên, đối tác) có xu hướng giảm về số lượng và giá trị trong mùa cao điểm năm nay. Còn các suất quà Tết giá trị cao thường dự báo sẽ giảm so với các năm trước do ảnh hưởng kinh tế khó khăn.
Để vượt qua thời điểm đầy áp lực như hiện tại, giới chuyên gia cho rằng các DN trong ngành bán lẻ nên tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các mô hình kinh doanh mới, tìm các hướng đi mới nhằm giữ vững đà tăng trưởng.
Theo đó, với những mảng kinh doanh thử nghiệm nếu có kết quả ban đầu khả quan thì có thể phát triển tiếp, còn với những mảng chưa thật sự khả quan thì tạm thời dừng mở rộng để tối ưu hóa và đánh giá lại mô hình hoạt động.
Cũng nên tham khảo thêm số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Từ đó để thấy còn nhiều việc mà các DN trong ngành bán lẻ Việt phải cải thiện trong thời gian tới nhằm được các chỉ tiêu đã đề ra. Còn trước mắt, để tập trung cho mùa mua sắm cuối năm, các nhà bán lẻ sẽ phải lường trước mức chi tiêu thận trọng và tiết kiệm của người tiêu dùng với mong muốn có những chương trình giảm giá hấp dẫn.
Nhất là khi người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn về mặt giá cả, điều quan trọng là các nhà bán lẻ phải cố gắng mở ra những chương trình giảm giá sớm, quy mô lớn và thời gian giảm giá kéo dài hơn. Có như vậy mới thúc đẩy được người tiêu dùng chi tiêu và phần nào giảm bớt được áp lực cho các nhà bán lẻ trong lúc này.