Chiều 29/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo Kết nối cung - cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau dịch nhằm tìm ra giải pháp giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới. Đây cũng là sự kiện chính trong Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu năm 2022 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi trở lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 18,65 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Đáng lo ngại là lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU khiến thị trường bị thu hẹp; đồng thời diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine cũng đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao… Chưa kể nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.
“Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất cần cơ quan chức năng, nhà quản lý cùng tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường, giới thiệu các nguồn cung nguyên liệu uy tín cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể khôi phục toàn diện trong 6 tháng cuối năm”, ông Phạm Xuân Hồng đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, khi dịch bệnh xuất hiện, doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu; sau khi nguồn cung nguyên liệu ổn định thì doanh nghiệp lại gặp khó về đầu ra. Theo thống kê, việc xuất khẩu dệt may vào EU, Mỹ đang giảm 30 - 40%; đồng thời tới đây, thị trường Nhật cũng sẽ giảm mua và dự báo giảm mạnh vào quý 1/2023. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm hoạt động sản xuất xuống còn 5 buổi/tuần, khả năng sắp tới cắt giảm còn 3 - 4 buổi/tuần.
Khó khăn tiếp nối khó khăn, vì vậy để tự cứu mình, doanh nghiệp dệt may chỉ còn cách kiểm soát chi phí đầu vào bằng việc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường để đầu tư có chọn lọc, không đầu tư dàn trải. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu; tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các doanh nghiệp, các tham tán nước ngoài để mở rộng thị trường mới.
"Hiện nay, chúng ta có sẵn hệ thống Tham tán thương mại ở các nước, đây là điều kiện rất tốt để mở rộng thị trường cho ngành dệt may, tuy nhiên hệ thống này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Do đó, hệ thống Tham tán thương mại cần đẩy mạnh việc kết nối, cung cấp thông tin chính thống của các thị trường để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt rõ thông tin, từ đó tìm kiếm được các nguồn nguyên liệu uy tín hơn, gia tăng hiệu quả hơn trong việc kết nối doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Việt đề xuất.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3 trong tốp các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới, chiếm 6,4% thị phần toàn cầu chỉ sau Trung Quốc (chiếm 31,6%) và châu Âu (chiếm 27,9%). Ở chiều ngược lại, 3 thị trường có nhu cầu nhập khẩu dệt may lớn nhất toàn cầu và cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là EU chiếm 34% thị phần toàn cầu, Hoa Kỳ chiếm 16,8% và Nhật Bản chiếm 5,3%.
Nguồn TTXVN