Có nhiều “cửa sáng”
Nhất là khi Việt Nam hiện là một điểm sáng kinh tế, đang dần phục hồi kể từ khi kết thúc đợt phong tỏa vào tháng 3 năm nay, kiểm soát được lạm phát. Ông BT Tee cũng lưu ý trong ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam thì các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế vẫn là một lĩnh vực phát triển nhanh do ảnh hưởng của phương Tây và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng.
Đề cập đến việc thị phần tiêu thụ thực phẩm ngoại đang chiếm một tỷ lệ đáng kể, được thúc đẩy bởi các thương hiệu F&B ngoại và nhượng quyền thương mại, ông BT Tee dẫn lại một báo cáo cho biết hiện có có tổng cộng 183 thương hiệu nước ngoài đã được cấp giấy phép nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Những thương hiệu này chủ yếu đến từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc và EU.
“Bên cạnh việc sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng giao đồ ăn và thanh toán di động, với tính cạnh tranh mạnh mẽ, khả năng tiếp cận thị trường và sự linh hoạt trong cách bán hàng, chúng tôi nhận thấy còn nhiều cơ hội mới đang nổi lên nhằm giúp ngành F&B tiếp tục mở rộng và phát triển trong thời gian tới”, ông BT Tee chia sẻ.
Ngoài ra, ngành F&B vốn dĩ được cho kinh doanh hướng đến giới trẻ. Trong khi đó dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 16 – 30 chiếm khoảng 25% tổng dân số cả nước. Cho nên, với tỷ lệ dân số trẻ cao như vậy, sẽ là nguồn lực phát triển lớn, đem lại cơ hội dồi dào cho ngành F&B Việt Nam. Đây sẽ là một nền tảng vững chắc để ngành này càng tăng trưởng hơn trong tương lai.
Tại hội nghị thượng đỉnh về năng suất trong Kinh doanh Nhà hàng - Ẩm thực tổ chức ở Tp.HCM ngày 8/12, giới chuyên gia cũng đánh giá nhiều triển vọng tăng trưởng cho ngành F&B ở Việt Nam trong năm 2023 và các năm tới. Bên cạnh đó, ngành này còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành, cũng như gia tăng năng suất sử dụng vốn, sử dụng lao động, đổi mới công nghệ, hiệu quả vận hành, qua đó giúp tăng đáng kể lợi nhuận, mang lại thành công lâu dài cho DN.
Theo giới chuyên gia, tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong ngành F&B có khả năng tăng hoặc duy trì ổn định vào năm 2023. Đặc biệt, dịch vụ ăn uống sẽ rộng mở nhờ các chính sách kích cầu du lịch, thu hút du khách. Tất cả điều này giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực F&B.
Hướng đến giá trị cốt lõi
Về xu hướng thị trường F&B Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh đã có nhiều xu hướng dịch chuyển trong cách vận hành của cả các nhà hàng, DN lẫn hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Về phía các DN trong ngành, xu hướng hiện nay là: Phục vụ, phân phối sản phẩm đa kênh; giảm diện tích mặt bằng; Xu hướng tự phục vụ; Tinh gọn nhân sự; Bùng nổ phương thức thanh toán không tiền mặt.
Riêng về thương mại điện tử trong ngành F&B được cho là sẽ tiếp tục mở rộng nhờ mạng kỹ thuật số tinh vi cùng số lượng người mua hàng trực tuyến ngày càng tăng.
Các nhà nghiên cứu dự báo doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm 15-20% trong doanh thu toàn ngành F&B năm 2025 tại Việt Nam. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy thế hệ Gen Y (chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) chiếm 49% tổng số giao dịch mua hàng trực tuyến (một con số dự kiến tăng lên khi dân số tiêu dùng trẻ trưởng thành).
Nhưng cũng cần nhắc lại, các DN F&B đã phải gồng mình để tồn tại sau tác động đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn vừa qua, quá trình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tác động khủng khiếp đến doanh thu, thậm chí là ảnh hưởng đến nguy cơ “sống còn” của DN. Đến nay, thị trường đang dần có sự hồi phục, đòi hỏi các DN trong ngành phải có sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng thời đại.
Như lưu ý của ông Trần Đức Tính, người sáng lập Bách Việt F&B Center (Trung tâm đào tạo vận hành cấp cao chuỗi F&B), các DN trong ngành hàng F&B tại Việt Nam đang bị thiếu hai yếu tố một cách trầm trọng. Thứ nhất là về nhân lực. Thứ hai là xây dựng hệ thống.
Theo ông Tính, các chủ DN F&B đang hướng đến bốn giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ khách hàng, hiệu quả về kiểm soát tài chính, khả năng nhân rộng mô hình.
Tuy vậy, xét về xây dựng hệ thống thì các chủ DN vẫn đang đau đáu gặp phải là làm thế nào để tái cơ cấu vận hành để hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm mang lại giá trị cốt lõi nêu trên.
Còn về nhân lực, theo ông Tính, có những DN F&B đang hoạt động nhưng thiếu đi yếu tố đào tạo và phát triển đội ngũ, hiện vẫn đang dừng lại với góc độ là đầu tư và tổ chức mức độ nhân viên ở cấp thấp.
“Điều đáng buồn là chủ DN có hai vấn đề gặp phải. Thứ nhất là cắt giảm giờ công, thứ hai là kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, họ lại không nhìn thấy vấn đề nếu nhân sự không được đào tạo và không có tay nghề thì sẽ không đáp ứng được về mặt chất lượng dịch vụ”, ông Tính băn khoăn./.