Chia sẻ tại Diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 23/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, gần 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” chính thức có hiệu lực trong công tác phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch VCCI cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định 128 được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp.
“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình”, Phó Chủ tịch VCCI cho biết.
TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, thế giới bước vào năm 2022, bối cảnh địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhiều thay đổi khó lường khi các trục địa chính trị lớn vẫn tiếp tục xảy ra đối kháng, giằng co để định hình lại vai trò dẫn dắt xoay quanh các động thái của Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Úc…
Trong khi đó, dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có các xu thế mới, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh áp lực tăng trưởng, ổn định và cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết các quốc gia. Cùng với đó là áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ; các quốc gia sẽ buộc phải thí điểm mở cửa biên giới, nhất là để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…
Do đó, TS Khương chỉ ra, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức còn tiếp diễn bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc…thay đổi, cùng tác động của đại dịch COVID-19.
Mặt khác, theo TS Khương, thói quen tiêu dùng cũng cho thấy xu hướng thời gian tới khi người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí dẫn đến doanh số giảm cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp do thiếu lao động.
Chính vì vậy, TS Khương cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để các doanh nghiệp có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức. Các doanh nghiệp tại Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kĩ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp; số hoá chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc đào tạo kỹ năng được các doanh nghiệp Singapore triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng, và thay đổi việc làm hậu COVID-19 một cách hiệu quả đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển theo hướng dài hạn và bền vững hơn, các doanh nghiệp tận dụng “khoảng nghỉ” của đại dịch để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế thay vì chăm chú vào mục tiêu tăng trưởng nhanh và ưu tiên cho các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị... Đây được cho là các biện pháp hiệu quả để thích ứng tốt hơn trong tình hình mới.
Để phát triển kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” năm 2022, TS Nguyễn Đức Khương nhận định, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra rất nhiều thay đổi tạm thời, chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu, mà còn cả một số thay đổi kéo dài.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Trong đó, kết hợp con người– máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng, hoạt động kinh doanh, có khả năng kháng cự với các cú sốc...
Đồng thời, TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh, để hiểu rõ nhu cầu và đặc điểm cá nhân của khách hàng mục tiêu đối với loại sản phẩm kinh doanh và tiếp cận marketing, đáp ứng hiệu quả kỳ vọng của người tiêu dùng thì doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và dữ liệu, đây là một công cụ vô cùng cần thiết.