Cảm ơn bạn haminhtri@gmail.com đã gửi thư đến website! Với câu hỏi của bạn đặt ra, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và tham vấn từ một số nhà nghiên cứu, Thinhvuongvietnam.com xin được giải đáp như sau:
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991), Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân (ngoài con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội - PV chú thích). Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta".
Tính tất yếu về sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản - con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, gắn liền với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ những chuyển biến của tình hình thế giới và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Thứ nhất, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản phù hợp với xu thế và nội dung của thời đại.
Đầu thế kỷ XX các nước đế quốc lớn như Mỹ, Anh, Pháp... đã xâm chiếm hầu hết các nước nhỏ yếu trên thế giới và biến thành thuộc địa của họ. Chính sách thực dân tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đối với các thuộc địa cùng với sự áp bức, bóc lột nặng nề đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở trong nước đã chứng minh bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc. Với sự cạnh tranh giành giật các thuộc địa và khu vực ảnh hưởng làm gay gắt thêm mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản, đồng thời nảy sinh mâu thuẫn mới: mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc.
Lãnh tụ Đảng Bolshevik V.I. Lenin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết Nga tại Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai, ngày 7/11/1917, tại Điện Smolny. Ảnh:Internet
Các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập trở thành một nội dung lớn của phong trào cách mạng thế giới, một vấn đề có tính thời đại. Một hướng đi, một con đường mới đúng đắn đã mở ra đối với phong trào cách mạng giải phóng, giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa. Phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước, nhất là ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam.
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi (năm 1917) đã làm biến đổi sâu sắc tình hình thế giới. Cuộc cách mạng đó đã chặt đứt khâu yếu nhất trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa và các hệ thống thuộc địa, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng tháng Mười không chỉ ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến cách mạng vô sản diễn ra ở các nước tư bản mà còn lan toả sâu rộng đến các nước thuộc địa, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng vì độc lập, vì quyền sống, vì sự nghiệp giải phóng triệt để về mặt xã hội.
Thứ hai, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản xuất phát từ những chuyển biến sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đặt bút ký vào bản Hiệp ước Patơnốt, đánh dấu việc đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp. Tuy vậy, nhân dân Việt Nam vẫn không bị khuất phục, từ năm 1885, phong trào chống xâm lược của nhân dân và một bộ phận phong kiến yêu nước tiếp tục bùng lên mạnh mẽ. Trước tình hình ấy, để áp đặt ách thống trị, tiến hành khai thác thuộc địa, thực dân Pháp bình định bằng quân sự, đàn áp sự nổi dậy của nhân dân chống lại sự xâm lược, thôn tính của thực dân Pháp và phong kiến đầu hàng.
Từ năm 1897 đến năm 1914: sau khi đàn áp phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị, tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Chính sách bóc lột, cai trị của thực dân Pháp đã làm biến đổi sâu sắc xã hội Việt Nam.
Về chính trị: Thực dân Pháp tiến hành xây dựng hệ thống chính quyền thuộc địa đồng thời vẫn duy trì chính quyền phong kiến bản xứ làm công cụ tay sai. Với mưu đồ nham hiểm, thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”: chia ba kì với các chế độ chính trị khác nhau, nhằm phá vỡ khối đoàn kết cộng đồng quốc gia dân tộc. Xoá tên các nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên bản đồ chính trị thế giới, lập ra xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Tính chất xã hội Việt Nam thay đổi: từ xã hội phong kiến độc lập chuyển thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
Về văn hoá - xã hội: Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân để dễ cai trị, nhà tù nhiều hơn trường học, đồng thời du nhập văn hoá đồi truỵ, tuyên truyền tư tưởng khai hoá văn minh, nước "đại Pháp"… nhằm tạo tâm lí phục Pháp và sợ Pháp; khuyến khích tệ nạn xã hội, dùng rượu cồn và thuốc phiện để đầu độc thế hệ trẻ Việt Nam.
Khai thác than ở Hòn Gai thời Pháp thuộc. Ảnh Tư liệu.
Về kinh tế: Thực dân Pháp đã tiến hành kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) và tiếp đó kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919-1929), từ đó Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa ế thừa của chính quốc, đồng thời chúng ra sức vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động rẻ mạt của người bản xứ, cùng nhiều hình thức thuế khoá nặng nề. Điều đó đã làm mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp càng thêm sâu sắc, đồng thời cũng dẫn tới những biến đổi trong cơ cấu kinh tế và các giai tầng xã hội Việt Nam.
Sự chuyển biến các giai tầng trong xã hội Việt Nam
Chính sách thống trị của thực dân Pháp không chỉ làm phân hóa các giai cấp vốn có trong xã hội Việt Nam như địa chủ phong kiến và nông dân, mà còn làm xuất hiện các giai cấp mới, như giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và các tầng lớp mới ra đời.
Giai cấp địa chủ phong kiến: Một bộ phận giai cấp địa chủ phong kiến câu kết chặt chẽ với thực dân Pháp và làm tay sai đắc lực cho chúng; một bộ phận khác nêu cao truyền thống và tinh thần dân tộc khởi xướng và lãnh đạo các phong trào yêu nước chống Pháp; một số trở thành lãnh đạo phong trào nông dân chống thực dân Pháp và chống triều đình phong kiến bán nước; một bộ phận nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa.
Giai cấp nông dân: là thành phần đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam (chiếm gần 90% dân số), họ bị đế quốc, phong kiến và tư bản bóc lột nặng nề. Do đó, nông dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, khắp vùng xuôi đến miền ngược đã không ngừng vùng dậy chống lại ách thống trị của thực dân và phong kiến. Đây là giai cấp có tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất cho nền độc lập tự do của dân tộc và khao khát giành lại ruộng đất cho dân cày, khi có lực lượng tiên phong lãnh đạo, giai cấp nông dân sẵn sàng vùng dậy làm cách mạng lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến.
Tư sản Việt Nam: hình thành và phát triển trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Một bộ phận gắn liền lợi ích với tư bản Pháp, tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế của chính quyền thực dân Pháp, trở thành tầng lớp tư sản mại bản. Một bộ phận là giai cấp tư sản dân tộc mâu thuẫn với tư bản Pháp, triều đình phong kiến, nhưng thế lực kinh tế yếu ớt, phụ thuộc, do vậy tư sản dân tộc tuy có tinh thần yêu nước chống đế quốc và phong kiến nhưng họ không có khả năng lãnh đạo cách mạng.
Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam: gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, trí thức, sinh viên, học sinh… bị đế quốc, tư bản chèn ép, khinh miệt, do đó có tinh thần dân tộc, yêu nước và rất nhạy cảm về chính trị và thời cuộc. Tuy nhiên, do địa vị kinh tế bấp bênh, thái độ hay dao động, thiếu kiên định khi phong trào gặp khó khăn, nhưng nếu được tổ chức cùng với công nông, đây là lực lượng đông đảo tích cực chống đế quốc và là bạn đồng minh của giai cấp công nhân, có vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh của nhân dân.
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời cùng với quá trình thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Ngoài những đặc điểm của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng: Ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc; bị ba tầng áp bức: đế quốc, phong kiến, tư sản; phần lớn xuất thân từ nông dân, là cơ sở khách quan, thuận lợi cho công nhân và nông dân liên minh chặt chẽ trong quá trình đấu tranh cách mạng. Ngay khi ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã tiếp thu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga. Do vậy, tuy lực lượng công nhân Việt Nam còn ít[1], nhưng sớm vươn lên tiếp nhận tư tưởng tiên tiến của thời đại, nhanh chóng phát triển từ tự phát đến tự giác, thể hiện là giai cấp có năng lực lãnh đạo cách mạng.
Thứ ba, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản là sự lựa chọn của chính lịch sử Việt Nam khi lần lượt các phong trào yêu nước bị thất bại, xã hội Việt Nam bị bế tắc về đường lối cứu nước.
- Dù triều đình đã đầu hàng, nhưng một bộ phận phong kiến yêu nước đã khởi xướng cùng với nhân dân tiếp tục vũ trang chống Pháp. Đó là phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo (1885-1896). Điển hình là các cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hoá), Bãi Sậy (Hưng Yên), Hương Khê (Hà Tĩnh) … với những sĩ phu phong kiến yêu nước như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật... đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp và thể hiện tinh thần quật cường chống ngoại xâm của các tầng lớp nhân dân. Nhưng với ngọn cờ phong kiến lúc đó không còn là ngọn cờ tiêu biểu để tập hợp một cách rộng rãi, toàn thể các tầng lớp nhân dân, không có khả năng liên kết các trung tâm kháng Pháp trên toàn quốc, nên cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại năm 1896, cũng là lúc chấm dứt vai trò lãnh đạo của giai cấp phong kiến đối với phong trào yêu nước Việt Nam.
Cụ Hoàng Hoa Thám (người đứng thứ 4, hàng thứ 2 từ trái qua phải) cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế. Ảnh Tư liệu
- Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở vùng miền núi phía Bắc, phong trào nông dân Yên Thế (Bắc Giang) dưới sự lãnh đạo của vị thủ lĩnh nông dân Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân xây dựng lực lượng chiến đấu, lập căn cứ và đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp. Đây là cuộc đấu tranh anh dũng của nông dân Việt Nam kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913), ghi một mốc son của lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp trong lịch sử cận - hiện đại Việt Nam. Sự bền bỉ, ngoan cường của phong trào thể hiện sức mạnh to lớn của nông dân. Nhưng phong trào của Hoàng Hoa Thám vẫn mang nặng “cốt cách phong kiến”, không có khả năng mở rộng hợp tác và thống nhất tạo thành một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cuối cùng cũng bị thực dân Pháp đàn áp.
- Vào đầu thế kỷ XX, trước sự ảnh hưởng của các khuynh hướng cứu nước ở các nước châu Á, Việt Nam xuất hiện hai xu hướng cứu nước theo phong trào dân chủ tư sản, tiêu biểu là xu hướng bạo động do Phan Bội Châu (1867-1940) tổ chức, lãnh đạo và xu hướng cải cách do Phan Châu Trinh (1872-1926) đề xướng. Xu hướng bạo động của Phan Bội Châu: chủ trương xây dựng chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật (1904), sau khi thất bại năm 1912 với tổ chức Việt Nam Quang phục hội, chủ trương xây dựng chế độ cộng hoà tư sản như Trung Quốc, nhưng cuối cùng "một trăm lần thất bại không một lần thành công". Xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh: ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, lên án gay gắt tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến sâu mọt, chủ trương cải cách đất nước. Sai lầm của Phan Chu Trinh là phản đối bạo động, dựa vào Pháp để đánh đổ chế độ phong kiến, chẳng khác gì "xin giặc rủ lòng thương".
- Khi thực dân Pháp tiến hành đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, mâu thuẫn toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp càng gay gắt, các giai tầng mới trong xã hội Việt Nam đều bước lên vũ đài chính trị biểu hiện phong phú bằng các tổ chức chính trị, các hội văn hóa, các cơ quan ngôn luận... Trong đó, hoạt động có ảnh hưởng rộng và thu hút nhiều học sinh, sinh viên yêu nước là tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Trên cơ sở các tổ chức yêu nước của tiểu tư sản trí thức theo chủ nghĩa dân tộc cách mạng, Việt Nam Quốc dân Đảng được chính thức thành lập tháng 12 - 1927 tại Bắc Kì. Mục đích: đánh Pháp giành độc lập, xây dựng chế độ cộng hòa tư sản, với phương pháp: đấu tranh vũ trang, manh động, ám sát cá nhân và lực lượng chủ yếu là binh lính, sinh viên… Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2-1930) với khẩu hiệu "không thành công thì thành nhân" đã nhanh chóng thất bại. Sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái chứng tỏ rằng phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản không đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, đánh dấu sự tan rã của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản và xác nhận sự bất lực của tư tưởng tư sản trong việc xác lập con đường cách mạng phù hợp với quy luật vận động của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, rõ ràng là vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, tiếp tục truyền thống yêu nước, bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, các phong trào chống thực dân Pháp theo ý thức hệ phong kiến, tư sản của nhân dân ta diễn ra rất sôi nổi và liên tục, nhưng tất cả đều không thành công. Trên thực tế, đến những năm 20 cuả thế kỉ XX “các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”. Việt Nam lâm vào khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các thế hệ yêu nước đương thời là cần phải có một tổ chức cách mạng tiên phong, có đường lối cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc.
[1]Số lượng công nhân đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất (1913) có khoảng 10 vạn người, đến cuối năm 1929 số công nhân Việt Nam là hơn 22 vạn người, chiếm trên 1,2% dân số.
Đức Phạm