Tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững, thích ứng tương lai” do Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài Chính) tổ chức chiều 19/1, các chuyên gia kinh tế đã gợi mở và đưa ra một số giải pháp nhằm sớm hiện thực hóa gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa gần 350.000 tỷ đồng mới được Quốc hội thông qua.
Cú hích kích cầu nền kinh tế
Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm. Mặc dù có thể phải đối diện với rủi ro về nợ công, lạm phát và trong bối cảnh đầy khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nhưng Quốc hội đã quyết định chấp nhận để có nguồn lực cho phục hồi kinh tế.
Chia sẻ tại diễn đàn, GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này, Nhà nước sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang chịu mức thuế VAT 10%. Với định mức hỗ trợ này, nhà sản xuất sẽ được hỗ trợ trực tiếp và không tăng giá thành sản phẩm, người tiêu dùng sẽ trực tiếp tiết kiệm chi tiêu mua sắm nên sẽ có tác dụng kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.
“Tôi cho rằng gói hỗ trợ này vừa có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng vừa có tác dụng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Gói hỗ trợ này tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường” – GS. TS Hoàng Văn Cường đánh giá.
Tuy nhiên, GS. TS Hoàng Văn Cường bày tỏ lo ngại đối với gói hỗ trợ đầu tư công. Bởi, thực tế trong thời gian qua việc giải ngân vốn đầu tư công khá chậm. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ các dự án đầu tư công cũng như đánh giá hiệu quả của các dự án này, có như vậy gói 176.000 tỷ dành cho đầu tư công trong chính sách hỗ trợ tài khóa lần này mới phát huy tác dụng.
Bày tỏ sự lạc quan về các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, khi gói hỗ trợ được triển khai trong thực tế sẽ tạo nên những yếu tố thuận lợi cho môi trường đầu tư trong nước cũng như tiếp tục kích thích đầu tư tư nhân. Bao gồm tất cả DN nhỏ, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và đặc biệt là những DN tư nhân lớn.
“Không chỉ phục hồi, kích thích nền kinh tế, các gói hỗ trợ của Chính phủ lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước” - Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khẳng định.
Sớm xây dựng chương trình kiểm soát thực thi chính sách
Chính sách đã có nhưng làm sao để chính sách sớm đi vào cuộc sống, chính sách đến đúng, trúng đối tượng là trăn trở của các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sau khi chính sách được ban hành, các thủ tục đưa ra sau đó phải thật đơn giản, phù hợp với điều kiện thực tiễn đối tượng được hưởng thụ.
Tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại nhiều thủ tục rườm rà gây vướng mắc trong quá trình triển khai. Cùng với đó, cần thiết phải ban hành quy định kiểm soát việc thực thi chính sách nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng đối tượng. Và chính người lao động, người được hỗ trợ, DN sẽ đưa ra các điều kiện, ràng buộc trong việc kiểm soát thực thi các chính sách này.
Đồng quan điểm, GS. TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, cùng một gói hỗ trợ có thể có đối tượng tiếp cận dễ dàng, có đối tượng được hỗ trợ không đáng kể hoặc không tiếp cận được. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suất 2%, đây là gói tác động rất mạnh, rất rộng đến cộng đồng DN bởi lẽ Chính phủ dành 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất nhưng tác động đến hơn 20 triệu tỷ đồng tiền vốn của DN.
“Nếu không cẩn thận thì số 20 triệu tỷ đồng này chỉ dồn vào một nhóm những “ông lớn” nào đó, trong khi đó những DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể không tiếp cận được (dù số vốn không nhiều) nên không thể phát triển được” - GS. TS Hoàng Văn Cường lưu ý.
Các chuyên gia cũng nhận định, gói hỗ trợ lãi suất có độ phủ rất rộng nhưng để tiếp cận được, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể cần nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía ngân hàng. Bởi, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhóm đối tượng này khó có thể đáp ứng các điều kiện kiểm soát khi thụ hưởng như: Phải có tài sản bảo đảm thế chấp, phải sạch nợ… Như vậy, để nhóm đối tượng này không bị loại ra khỏi vòng thụ hưởng, các cơ quan quản ký Nhà nước phải có chương trình kiểm soát thực thi chính sách hỗ trợ hay dòng tiền cho vay hoàn toàn khác so với những chương trình trước đây.
Cũng với nỗ lực cải cách thể chế, những chính sách, biện pháp phục hồi và kích thích phát triển nền kinh tế mà Chính phủ đang triển khai sẽ giúp các DN tăng được sức chống chịu trước những biến cố khác nhau, những điều kiện ngoại cảnh bất thường xảy ra; đồng thời, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trước sự phát triển nhiều các nền kinh tế khác trên thế giới. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam./.
Theo Kinh tế và Đô thị