1. Cán bộ là “gốc” của mọi công việc; công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương đạt được những kết quả rất quan trọng, chuyển biến tích cực. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cả về tổng thể công tác cán bộ, cả trong việc thực hiện từng khâu của công tác cán bộ, cần có giải pháp khắc phục. Trước đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh quốc tế hóa được tăng cường, sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác cán bộ cần phải đáp ứng yêu cầu cao hơn nữa, đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
2. Về nguyên tắc, mỗi khâu, mỗi quy trình của công tác cán bộ có vị trí, vai trò, nội dung, biện pháp và yêu cầu riêng, nhưng vẫn phải nằm trong một tổng thể thống nhất, đồng bộ, với các mối quan hệ hữu cơ, biện chứng với nhau, không được tuyệt đối hóa, hoặc xem nhẹ một khâu, một nội dung hay quy trình nào. Do vậy, để đổi mới công tác cán bộ, cần xác định nội dung, hình thức, cách làm phù hợp, đồng bộ, toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và đột phá.
Trước hết, cần đổi mới công tác đánh giá cán bộ, coi đây là điểm đột phá, làm cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các khâu, các bước của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ trong trạng thái “động”, với góc nhìn khách quan, đa chiều, toàn diện, lịch sử, cụ thể, chú ý triển vọng phát triển; có tiêu chí rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với đặc điểm, tính chất và chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần chú ý đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ trong những hoàn cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, hy sinh, những bước ngoặt của môi trường, yêu cầu công việc, sự nghiệp công tác gắn với động cơ chính trị, nghề nghiệp, tinh thần cầu thị, khả năng khắc phục hạn chế, yếu kém, vượt khó, tiến bộ, khả năng thích ứng với cái mới, xu thế phát triển của tình hình nhiệm vụ; uy tín đối với đồng nghiệp, tập thể, cộng đồng, các lực lượng liên quan, nhất là những lực lượng thuộc đối tượng được cán bộ “phục vụ” và những lực lượng thuộc đối tượng “cạnh tranh” trong quy hoạch, công tác. Đánh giá đúng cán bộ để có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ trước mắt và lâu dài.
Đổi mới cơ chế phát hiện, tuyển chọn, quy hoạch nguồn nhân tài; kết hợp thi tuyển “cạnh tranh”, trước hết là ở các chức danh lãnh đạo quản lý trực tiếp giải quyết và tham mưu giải quyết công việc (cấp vụ, sở, phòng); tổ chức sát hạch trực tiếp, kiểm tra định kỳ, đột xuất để đánh giá kết quả công tác thực tế; áp dụng chính sách thu hút và trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện, môi trường công tác, xây dựng tinh thần trách nhiệm, hứng thú nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức công vụ cho cán bộ.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, chức danh quy hoạch, có sự chuyển tiếp các thế hệ cán bộ một cách liên tục đáp ứng yêu cầu hiện tại và lâu dài. Đa dạng hóa thành phần cán bộ theo cơ cấu hợp lý giữa các lứa tuổi, giới tính, thành phần, dân tộc, vùng miền, Trung ương, địa phương, cơ sở, bảo đảm tính phù hợp, thích ứng, đa dạng, phong phú, đại đoàn kết, phát huy thế mạnh, sở trường, thông suốt, đồng bộ, nhịp nhàng, đồng điệu, liên thông hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy.
3. Đổi mới công tác cán bộ cần đặt trong tổng thể chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính trong bộ máy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Từng khâu, từng nội dung, quy trình của công tác gắn bó hữu cơ với từng nội dung cải cách hành chính, phù hợp từng hoàn cảnh, giai đoạn, lĩnh vực, tính chất, đặc điểm nhiệm vụ, công việc. Có những chính sách đột phá trong những lĩnh vực được xem là khó, nhạy cảm và còn nhiều hạn chế như tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh, cơ chế, thể chế, quy định, thực hành đánh giá cán bộ; thu hút và quản lý, sử dụng hiệu quả nhân tài; kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”, phòng chống tiêu cực; tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy, giảm chi phí hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, quản lý, sử dụng cán bộ.
Giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đi đôi với phát huy năng lực cá nhân người đứng đầu tổ chức trong công tá cán bộ; vừa bảo đảm sự thống nhất thể chế của Trung ương vừa phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tính đặc thù của từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ sở.
4. Đổi mới công tác cán bộ phải gắn với kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ cần thực hiện đồng bộ, toàn diện nội dung, biện pháp, vừa xây dựng vừa phòng chống, xây dựng là cốt yếu, chiến lược; kết hợp giáo dục, thuyết phục với các biện pháp hành chính, chính trị, kinh tế, pháp chế, kỷ luật, kỷ cương. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với thực hiện đầy đủ thủ tục, quy trình công tác cán bộ một cách dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch ủy ban nhân dân.” Coi trọng phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của các cá nhân, tổ chức, lực lượng phòng chống tiêu cực, suy thoái, tha hóa trong công tác cán bộ, nhất là những thông tin do cán bô, đảng viên, nhân dân cung cấp về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Đổi mới công tác cán bộ là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, củng cố niền tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng./.
T.D.T