Cuộc sống của người dân Nam Bộ bao đời qua vẫn trôi đi bình dị như sông nước quê hương, đôi khi lắng đọng lại là những khúc Đờn ca tài tử, mênh mang da diết mà thấm đẫm tình quê.
Đến với miền sông nước Nam Bộ, nơi những dòng sông, kênh rạch thăm thẳm, xanh mát bóng dừa, bạt ngàn những miệt vườn trĩu quả, với những sản vật bốn mùa đậm chất quê hương, tất cả toát lên một vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt đầy sức sống. Và điểm nhấn trong không gian trong xanh ấy là âm thanh của Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc phương Nam, như lưu dấu vào lòng khách bốn phương.
Ảnh: Nguồn Internet
Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan). Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, có nguồn gốc từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử bao gồm đàn và ca, là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là hoạt động sinh hoạt tinh thần của những người bình dân ở nông thôn, thường diễn ra sau những giờ lao động. Xuất hiện từ khoảng hơn một thế kỷ trước, Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc, với bốn loại nhạc cụ tiêu biểu gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia trình diễn phần đông là láng giềng, chòm xóm, bạn bè của nhau, ít khi câu nệ về trang phục, họ tập trung lại để cùng đàn hát như một thú vui tao nhã, như một phương thức để chia sẻ tâm tình.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật giản dị và dễ thâm nhập vào cảm xúc con người. Có lẽ vì thế, phong trào Đờn ca tài tử đã nhanh chóng phát triển và được phổ biến rộng rãi trên toàn miền Nam. Ngày nay, Đờn ca tài tử đã có mặt rộng rãi khắp 21 tỉnh, thành miền Nam, trong đó, nhiều nhất là ở Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vừa có tính bình dân, vừa có tính bác học. Tính bình dân là ai cũng tham gia được, ở bất cứ thành phần nào, hoàn cảnh nào; tính bác học là muốn ca hay, đờn giỏi thì phải có năng khiếu, phải có “nghề”. Đối với các tỉnh, thành Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân ở mọi đối tượng. Đi đến bất cứ đâu, dù ở nơi đô thị hay vùng miệt vườn, vùng sông nước Nam Bộ ta đều có thể được lắng nghe những câu ca, tiếng đàn tài tình và cảm xúc.
Âm nhạc và ngôn ngữ đã tạo nên giá trị cốt lõi của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Phần âm nhạc của Đờn ca tài tử là sự kế thừa và chắt lọc từ những nhạc cụ dân tộc, mang hồn cốt của âm nhạc nhiều vùng miền và qua nhiều thế hệ. Sự sáng tạo và phát triển Đờn ca tài tử đã định hình những thanh sắc mới từ nhạc cụ truyền thống, từ đó mang một hơi thở riêng, không trộn lẫn với các loại nhạc cụ khác.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử kế thừa phong cách âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Đó là ngũ cung, là lòng bản từ nghệ thuật miền Bắc, miền Trung đi vào miền Nam, rồi hòa hợp với quá trình sinh hoạt cộng đồng của người Nam Bộ. Từ đó, hình thành nên một hệ thống Đờn ca tài tử bài bản như bây giờ.
Đờn ca tài tử dùng chất liệu ngôn ngữ chủ yếu là tiếng địa phương miền Nam để truyền tải thông điệp qua giai điệu, và nhờ vậy, ngôn ngữ Nam Bộ đơn sơ, mộc mạc đã được nâng lên tầm cao mới, được bảo tồn và phổ biến đến mọi miền đất nước và thế giới.
Rất nhiều bài ca Đờn ca tài tử đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh những nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam từ những năm 1900, với nội dung gắn liền với các đề tài về lịch sử, về công lao cứu nước – giữ nước, về những tấm gương anh hùng dân tộc. Ngoài ra, khía cạnh đạo đức, luân lý gia đình, xã hội cũng thường xuyên được nhắc đến, như tình cha con, sự thủy chung của vợ chồng, tình nghĩa bạn bè… Sang đến thời kỳ phát triển của thơ ca lãng mạn thì tình yêu đôi lứa được thể hiện qua những khúc tân cổ giao duyên, tiếp tục đề cao sự chung thủy giữa người với người. Giá trị về văn hóa của Đờn ca tài tử để lại là rất lớn, nhưng giá trị tinh thần của nó cũng quan trọng không kém. Thông qua Đờn ca tài tử, người nghe có thể nâng cao hiểu biết của mình, học hỏi được nhiều thứ và nhất là thấm nhuần những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trong những đêm trăng hay giữa những ngày mưa, sau mỗi buổi lao động hay ngay trong bữa cơm thết đãi bạn bè, thì lời ca, tiếng hát đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với bà con Nam Bộ. Khi lời ca, tiếng hát cất lên, điều mà người nghe cảm nhận được là tâm tình, nỗi lòng chân thật nhất, xuất phát từ tình yêu nghệ thuật và những trải nghiệm cuộc sống của con người, không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, già trẻ. Điều này đã phản ánh sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn con người Nam Bộ, trở thành nét văn hóa đầy tự hào của người Việt Nam nói chung. Giá trị cốt lõi nhất của di sản Đờn ca tài tử, bởi vậy, có lẽ không ngoài hai chữ nghĩa tình.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Đờn ca tài tử vẫn có vị trí nhất định trong làng nghệ thuật dân tộc, tuy nhiên để duy trì và phát triển hơn nữa loại hình này, Đờn ca tài tử có thể bước ra khỏi những khuôn mẫu lỗi thời, làm trẻ hóa diện mạo, với những chủ đề hiện đại hơn, bám sát với thực tế phát triển của xã hội, góp phần khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập cùng văn hóa thế giới.
Minh Vũ