Trong 38 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp thành phố và quốc gia của Cần Thơ, có 4 ngôi chùa của người Hoa, đó là chùa Ông, Hiệp Thiên Cung, Cảm Thiên Đại đế và Linh Sơn Cổ Miếu. Các ngôi chùa của người Hoa chính là nơi thể hiện tập trung những giá trị văn hóa đặc sắc của người Hoa trên mảnh đất Cần Thơ. Việc đưa các ngôi chùa này vào phát triển du lịch chính là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự phát triển chung của Cần Thơ.
Chùa Ông ở Cần Thơ. Ảnh: dantri
Những giá trị văn hóa tiêu biểu trong các ngôi chùa người Hoa ở Cần Thơ
Cần Thơ cũng giống như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là nơi cộng cư của nhiều dân tộc trong đó nhiều nhất chính là dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Người Hoa là dân tộc mới đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới Cần Thơ nhưng có bản sắc văn hóa riêng rất đậm nét. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có hơn 15.000 người Hoa sinh sống, chiếm 1,45% dân số, tập trung đông nhất ở các phường Tân An, An Lạc (quận Ninh Kiều), quận Cái Răng và Ô Môn[1]. Nhiều đặc trưng văn hóa của người Hoa thể hiện qua các ngôi chùa cụ thể như sau:
Thứ nhất, các ngôi chùa là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc rất độc đáo của người Hoa. Các ngôi chùa thể hiện nét đặc sắc riêng trong kiến trúc của người Hoa như đều được xây dựng theo hình chữ Quốc, các ngôi chùa đều có thiên tỉnh (giếng trời), kiến trúc đều nổi bật với màu đỏ đặc trưng bởi theo quan niệm của người Hoa đây là màu tượng trưng cho sự hạnh phúc. Các ngôi chùa của người Hoa ở Cần Thơ lưu giữ nét đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc. Đó là nghệ thuật điêu khắc chạm nổi trên những phù điêu hiện diện khắp nơi, từ các bao lam, hoành phi, liễn đối với nội dung vô cùng phong phú, rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc: Tam quốc chí, Ngũ Hổ bình tây, Bát tiên, Đông Chu liệt quốc, Thủy cung hoặc thể hiện ờ kỹ thuật chạm chìm những đề tài quy ước mai, lan, cúc, trúc, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa tiên, chim phụng… Ngoài nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, các ngôi chùa này còn thể hiện nghệ thuật thư pháp: các kiểu chữ “triện”, “thảo” được khắc chạm trên hoành phi, liễn đối, lư, chuông đồng, rất đẹp và tinh xảo.
Thứ hai, các ngôi chùa của người Hoa thể hiện nét đặc sắc riêng trong tín ngưỡng của người Hoa, đó là tín ngưỡng thờ Quan công, tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu. Quan Công (162 - 219) là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Hình tượng Quan Thánh đế quân được đưa lên hàng đầu trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Hoa một phần là do đức tính của vị thần này như khi cần thiết sẵn sàng hi sinh để giữ tiết hạnh, tỏ rõ lòng trung nghĩa của mình. Sự ưu trội của tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân trong tín ngưỡng của người Hoa cũng thể hiện truyền thống của dân tộc trọng nam, coi trọng nam thần. Cùng với đó người Hoa ở Cần Thơ cũng rất tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu. Thờ bà Thiên Hậu phản ánh lịch sử của người Hoa ở Cần Thơ, họ di cư từ Trung Quốc đến Cần Thơ bằng đường biển nên thờ vị thần ở biển cả. Tuy nhiên, ở mỗi ngôi chùa khác nhau, tín ngưỡng thờ Quan Công hay thờ bà Thiên hậu sẽ có những đặc điểm riêng tạo nên tính đa dạng trong văn hóa của dân tộc Hoa.
Chùa Hiệp Thiên Cung. Ảnh: Internet
Thứ ba, các ngôi chùa còn lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể của người Hoa như nghệ thuật truyền thống, các trò chơi, món ăn truyền thống. Đặc biệt hội quán hay còn gọi là những ngôi chùa của người Hoa thể hiện truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc này, người Hoa đi đến đâu đều thành lập hội quán của mình ở đó bởi đây chính là nơi họ gặp gỡ, tụ hội để trao đổi, bàn bạc, chia sẻ công việc, giải quyết khúc mắc,… Hội quán còn là nơi giúp đỡ, bảo trợ những thành viên nghèo, gặp hoạn nạn trong Bang. Các hội quán đều có khoản kinh phí để làm các hoạt động từ thiện, không chỉ cho người Hoa mà các dân tộc khác sống lân cận, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, việc đưa các ngôi chùa của người Hoa ở Cần Thơ vào phát triển du lịch không chỉ tăng lượng du khách, tăng nguồn thu mà còn góp phần bảo lưu, giữ gìn và quảng bá những nét đặc sắc trong văn hóa của người Hoa đến du khách trong và ngoài nước.
Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tại các ngôi chùa của người Hoa ở Cần Thơ hiện nay
Mặc dù các ngôi chùa của người Hoa trên đất Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển, song thực tế, số lượng du khách đến các di tích này chưa nhiều, thể hiện qua bảng số liệu thống kê năm 2023 như sau:
Di tích |
Số lượng du khách đến tham quan |
Chùa Ông |
5792 |
Hiệp Thiên Cung |
9209 |
Chùa Cảm Thiên Đại Đế |
1400 |
Linh sơn cổ miếu |
700 |
(Nguồn: Tổng hợp từ các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận, huyện của thành phố)
Như vậy, du khách chủ yếu đến hai ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia của người Hoa là chùa Ông và Hiệp Thiên Cung. Đây cũng là ngôi chùa có điều kiện giao thông thuận lợi, nằm ở các quận trung tâm và nơi có đông người sinh sống, qua lại, còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Hoa. Tuy nhiên, du khách đến chùa chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh. Du khách đến vì nghệ thuật kiến trúc độc đáo thì không nhiều, chủ yếu là du khách quốc tế khi đến bến Ninh Kiều, chợ Cái Răng thấy ngôi chùa có kiến trúc đẹp vào tham quan. Theo thống kê chỉ có chùa Ông và Hiệp Thiên Cung là có du khách quốc tế đến thăm. Ở chùa Ông năm 2023 có 2899 lượt khách quốc tế, Hiệp Thiên Cung có 2041 lượt du khách quốc tế. Tuy nhiên, vì công tác thuyết minh tại chùa cũng có nhiều bất cập giống như các di tích lịch sử - văn hóa khác của Cần Thơ nên nhiều giá trị độc đáo của ngôi chùa không được giới thiệu tới du khách. Chùa cũng không có hoạt động hay dịch vụ gì để du khách trải nghiệm và khám phá. Vào những ngày lễ hội chính của chùa thì tổ chức các hoạt động nghệ thuật, văn hóa mà du khách có thể thưởng thức, còn các ngày khác, các ngôi chùa cũng không có hoạt động gì. Những dịch vụ có thể cung cấp ở một điểm du lịch, sản phẩm du lịch cũng chưa được khai thác. Do đó, thời gian lưu lại cua du khách tại di tích cũng rất ít. Để thúc đẩy phát triển du lịch tại các ngôi chùa Hoa, thành phố Cần Thơ cần quan tâm một số định hướng sau:
Thứ nhất, cần đưa chùa Ông trở thành điểm hấp dẫn để phát triển du lịch đêm ở thành phố Cần Thơ. Chùa Ông có rất nhiều điểm thuận lợi để phát triển du lịch, kể cả du lịch đêm vì nằm ngay cạnh bến Ninh Kiều với lượt khách qua lại ở bến Ninh Kiều về đêm cũng rất đông. Muốn vậy, phải tăng thời gian mở cửa đón khách, đồng thời Ban trị sự của Chùa cùng các cấp, ngành quản lý về văn hóa, du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trước hết là trong công tác thuyết minh vì đây là ngôi chùa người Hoa ở Cần Thơ thu hút nhiều du khách nhất, đặc biệt có nhiều du khách quốc tế đến đây.
Chùa Cảm Thiên Đại Đế. Ảnh: Internet
Thứ hai, cần nghiên cứu phát triển các dịch vụ cung cấp cho du khách làm sao để thể hiện được những nét nổi bật nhất trong văn hóa của người Hoa. Cần khai thác những yếu tố văn hóa phi vật thể của người Hoa vào phát triển du lịch tại di tích như truyền thống đoàn kết, nghệ thuật múa lân, hát tiều…. Tuy nhiên, điểm hạn chế của các ngôi chùa người Hoa ở Cần Thơ là không gian hẹp nên cũng có những khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động và cung cấp các dịch vụ cho du khách. Trước mắt, có thể nghiên cứu dịch vụ bán hàng lưu niệm và các món ăn đặc trưng truyền thống của người Hoa tại di tích.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với điểm đến là các ngôi chùa người Hoa ở Cần Thơ. Thành phố cần có chiến lược quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố, giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này trong đó có văn hóa của người Hoa thể hiện tập trung trong các ngôi chùa. Những hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, hấp dẫn trong đó chú ý đến kênh truyền thông mới, hiện đại thông qua internet.
Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách với các công ty du lịch xây dựng các tour du lịch khám phá văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Cần Thơ là Kinh, Hoa, Khmer, từ đó gắn các ngôi chùa của người Hoa với các di tích tiêu biểu khác để du khách vừa thấy được bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, vừa thấy được sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên đất Cần Thơ, thấy được ảnh hưởng của văn hóa dân tộc Hoa tới các dân tộc khác.
Thứ năm, vấn đề thuyết minh tại các ngôi chùa cũng cần được đặc biệt quan tâm bởi lẽ những thuyết minh viên chỉ nắm những thông tin cơ bản, có kỹ năng thuyết minh là chưa đủ, còn cần phải có kiến thức chuyên sâu về tôn giáo. Khi du khách đặt ra những câu hỏi sâu về tôn giáo, họ có thể gặp khó khăn. Vì vậy, có thể phát triển đội ngũ thuyết minh viên cộng tác từ chính cộng đồng. Ví dụ những ngôi chùa của người Hoa cần lựa chọn đội ngũ cộng tác viên thuyết minh là người Hoa, họ là người hiểu tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mình, khi họ thuyết minh cho du khách sẽ có những hấp dẫn riêng và có độ tin cậy cao đối với du khách.
Di tích Linh Sơn Cổ Miếu ở Cần Thơ. Ảnh: Internet
Phát triển du lịch tại các ngôi chùa của người Hoa ở Cần Thơ là hướng đi cần thiết, có ý nghĩa nhiều mặt song cần năng động, sáng tạo suy nghĩ các giải pháp, cơ chế, chính sách có tính khả thi, hiệu quả để biến ngôi chùa người Hoa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc phát triển du lịch có tính kết nối, đòi hỏi phải quảng bá những nét đặc sắc của không chỉ một mà nhiều ngôi chùa người Hoa để du khách cảm nhận được những biểu hiện độc đáo và đa dạng về văn hóa của người Hoa trên địa bàn thành phố.
[1] https://dantocmiennui.vn/nguoi-hoa-o-can-tho-chung-tay-vi-su-nghiep-giao-duc-va-cong-tac-tu-thien-xa-hoi/280552.html#:~:text=Tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20b%C3%A0n%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91,gia%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20%E1%BB%A9ng%20c%C3%B9ng%20ch%C3%ADnh
Trịnh Xuân Thắng