Nhưng mong đợi nhất là các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, bởi quy hoạch lần này đặc biệt quan tâm, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải.
Theo Quy hoạch điện 8, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5%. Trong đó, đến năm 2030, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện còn khoảng 204-254 triệu tấn và giảm còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030 có 50% số tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia); hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Thậm chí, Việt Nam còn đặt mục tiêu phát triển các nguồn điện tái tạo để xuất khẩu (với quy mô xuất khẩu khoảng 5.000-10.000MW vào năm 2030).
Từ tháng 3-2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù đến đầu năm 2026, quy định này mới có hiệu lực nhưng ngay bây giờ, các đầu mối nhập khẩu đã đưa ra yêu cầu các nhà sản xuất phải kiểm kê lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất và tạm đình chỉ các đơn hàng không đáp ứng tiêu chí xanh. “Xanh hóa” sẽ là xu thế của toàn cầu. Theo đó, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ sụt giảm mạnh nếu không đáp ứng các yêu cầu này. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại khỏi cuộc chơi hoặc chuỗi, nếu không sử dụng năng lượng xanh.
Do đó, Quy hoạch điện 8 được ban hành không chỉ kịp thời đáp ứng yêu cầu và xu thế tất yếu về chuyển đổi năng lượng mà còn là cơ hội để đón đầu xu thế “xanh hóa” đang lan tỏa trên thế giới. Trong ngắn hạn, quy hoạch này cũng sẽ hóa giải những bất cập cho năng lượng tái tạo, trước mắt là “giải cứu” hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang mắc kẹt. Mặc dù vậy, để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương phải giám sát quy hoạch chặt chẽ, tránh để phát triển ồ ạt để rồi nguồn dư thừa nhưng điện vẫn thiếu. Bên cạnh đó cần giải bài toán cơ cấu nguồn điện, kết hợp năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Thách thức lớn nhất để thực hiện quy hoạch này là làm sao vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với quốc tế về năng lượng xanh nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí làm sao để phù hợp khả năng chi trả của người dân và thu hút nhà đầu tư.
Bộ Công thương cùng các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024; trình Chính phủ ban hành chính sách cho mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ các quy định và cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm những dự án điện tái tạo đang khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.
Điểm quan trọng nữa là nhu cầu vốn cho Quy hoạch điện 8 rất lớn (134,7 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 và khoảng 399,2-523,1 tỷ USD giai đoạn 2031-2050). Nhà nước cần tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - doanh nghiệp kinh doanh điện và người tiêu dùng điện.
Nguồn SGGP