Đại dịch COVID-19 đã gây ra quá nhiều hệ lụy cho toàn thế giới trong vòng 2 năm gần đây. Với Việt Nam, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi bình diện của cuộc sống. Riêng với lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có lẽ du lịch phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, năm 2019 đón số lượng khách quốc tế kỷ lục với 18 triệu lượt khách; đồng thời ba năm liên tiếp Việt Nam liên tục được các tổ chức du lịch uy tín thế giới đánh giá là điểm đến hàng đầu Châu Á… Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cho du lịch Việt Nam rơi vào khoảng lặng.
Tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" được tổ chức tại Nghệ An mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Năm 2020, lượng khách quốc tế cả năm 2020 giảm 80%, khách nội địa đạt giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, lượng khách du lịch nội địa sụt giảm 57%, doanh số, doanh thu từ du lịch càng giảm sút nghiêm trọng. Hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải ngừng hoạt động.
Sự đoàn viên dịp đầu năm mới cũng phải đặt trong phạm trù "bình thường mới" khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ảnh minh họa: Internet
Lực lượng lao động của ngành du lịch bị đứt gãy, số lượng không có việc làm rất nhiều, hạ tầng du lịch không có điều kiện để đầu tư, các cơ sở hiện có không có điều kiện để đón khách. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại thích ứng an toàn linh hoạt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại.
Nhìn lại chặng đường 2 năm qua, thực tế cho thấy mô hình chống dịch "Zero COVID-19" với các biện pháp phong tỏa và giãn cách khắc nghiệt, vốn đem lại hiệu quả tại nhiều nước trong thời kỳ đầu dịch COVID-19 xuất hiện, đã không còn phù hợp nữa, do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và xuất hiện các biến thể mới phức tạp, khó lường. Nhưng cuộc sống và công việc vẫn tiếp diễn, thế giới đang từng bước chủ động thay đổi và thích ứng để "sống chung với đại dịch".
Với Việt Nam, chúng ta đã phải chọn cách sống chung với dịch, vì đại dịch còn chưa biết khi nào mới chấm dứt. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chuyển sang chiến lược mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đó là hướng tới cuộc sống "bình thường mới", chủ động thích ứng linh hoạt và sống an toàn giữa đại dịch. Hàng loạt sự kiện quan trọng, kể cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa diễn ra trực tuyến.
Việc học tập, làm việc, thậm chí khám chữa bệnh từ xa đã trở nên quen thuộc. Giao dịch không dùng tiền mặt, hệ thống thanh toán không tiếp xúc hay thương mại điện tử lên ngôi. Hành vi tiêu dùng bền vững, hợp lý, tối giản hóa, có kế hoạch và đề cao tính thực tế trở thành xu thế chủ đạo… Những thay đổi mạnh mẽ, từ tư duy, nhận thức tới tâm lý, thói quen, lối sống của người Việt Nam được coi là sự thay đổi phù hợp, cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng. "Sống chung với đại dịch" giúp người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với hình thức mua sắm qua mạng xã hội, trang web hay các ứng dụng bán hàng.
Dịp đầu năm mới có thể ít tưng bừng hơn và đâu đó vẫn còn tiềm ẩn những âu lo. Làn sóng dịch bệnh COVID-19 có lẽ chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn. Có thể cảm nhận được, không khí đón năm mới 2022 không còn sự hồ hởi, náo động như cách đây 2 năm khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, nhưng trong trạng thái "bình thường mới" đã giúp cho mỗi người chúng ta biết chấp nhận vì sự an toàn sức khỏe cho mỗi người, cho mỗi gia đình và cho xã hội. Xét trên một khía cạnh nào đó, dịch COVID-19 dường như đang định hình lại cách thức làm việc, giao tiếp và sinh hoạt của con người theo hướng tích cực hơn.
Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không còn cảnh tắc đường, mọi người cũng bớt tất bật và có điều kiện "sống chậm" hơn. Cũng không còn cảnh chen chúc mua hàng trong những ngày hội mua sắm lớn như Black Friday, Giáng sinh hay Năm mới. Các sự kiện tập trung đông người trong mùa lễ hội cũng giảm bớt hoặc tối giản. Để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, người dân đón năm mới với sự giản dị, sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn.
Một năm trôi qua với nhiều điều sẻ chia và hy vọng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới. Trong năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch nước ta đã chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết các địa phương vẫn duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế được cơ cấu lại theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, giải trí online ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.
Nhìn tổng thể, năm 2021 các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát…Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ "Ổn định" lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là "Điểm đến hàng đầu Châu Á"; một số địa chỉ được vinh danh là "Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu Châu Á", "Điểm tham quan hàng đầu Châu Á", "Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu Châu Á" và Công viên quốc gia hàng đầu Châu Á. Đặc biệt, hơn một tháng qua, đã có trên 3.500 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng từ khi du lịch nước ta mở cửa trở lại…
Những thành công có được là nhờ sự chỉ đạo thống nhất từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ vừa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vừa phân công, phân cấp, phân quyền, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.
Có lẽ, năm 2022, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đầy thử thách cam go, người dân có thể vẫn phải thực hiện thông điệp 5K, nhiều sự kiện lớn có thể tiếp tục bị hủy bỏ hoặc tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng thích ứng tốt với một cuộc sống như thế này và coi đó là điều bình thường. Một năm 2021 đầy sóng gió đã qua đi và mỗi người trong chúng ta đều hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến, thế giới sẽ bình an đi qua đại dịch COVID-19. Song để đi tới những ngày ấy, mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia cần luôn đề cao tinh thần chống dịch và chủ động điều chỉnh để sống an toàn trong điều kiện "bình thường mới"./.
Theo Tổ quốc