Nhiều điểm sáng
Trong 3 năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước có nhiều khởi sắc, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI với 146 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,5 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Phước thu hút 11 dự án FDI, với tổng số vốn trên 82,5 triệu USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, trong số các dự án FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh có 2 dự án có quy mô rất lớn đáng chú ý. Cụ thể, dự án chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, quy mô 170.400 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 110 triệu USD của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CPV FOOD tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước.
Hiện tại, dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông. Dự án góp phần tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh, hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.200 lao động, nộp ngân sách khoảng 76 tỷ đồng.
Tiếp theo là dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haohua (Việt Nam), quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến quý IV/2025 đi vào hoạt động sẽ góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm mủ cao su rất dồi dào của tỉnh. Dự kiến hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động, sản lượng đạt khoảng 770 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân để Bình Phước đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút vốn đầu tư FDI, bà Trần Tuệ Hiền cho biết là do Bình Phước có vị trí chiến lược, nằm cạnh Bình Dương, Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh. Tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, chỉ mất hơn 2 tiếng di chuyển để đến các sân bay, cụm cảng quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cái Mép, Thị Vải.
Từ vị trí thuận lợi như vậy cho thấy Bình Phước có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Bình Phước còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Mặt khác, Bình Phước có 5 huyện thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư và 5 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Do đó, khi đầu tư vào Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Bình Phước còn thu hút các nhà đầu tư FDI bằng việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ. Hiện nay, các thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Đánh giá về những những điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư từ nước ngoài, tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – Bình Phước được tổ chức tại Bình Phước vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
Nền tảng 4 tốt
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để thu hút vốn đầu tư FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết tỉnh tiếp tục thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt).
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được Bình Phước thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; trong đó, ngoài quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Dự án chế biến chuyên sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị từ gỗ, chế biến mủ cao su, chế biến hạt điều, hạt tiêu, chế biến trái cây được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
Cũng theo bà Trần Tuệ Hiền, Bình Phước cam kết đồng hành với nhà đầu tư sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật để các dự án sớm đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao nhất.
Hàng năm, tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bình Phước huy động nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng. Đến năm 2030, tỉnh quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã với tổng nhu cầu nguồn vốn lên đến 5.900 tỷ đồng.
Địa phương cũng tích cực tăng cường thúc đẩy các dự án kết nối vùng, kết nối các đầu mối vận tải quan trọng (sân bay, cảng biển, hệ thống cao tốc, đường sắt quốc gia, các trung tâm logistics...) nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian di chuyển, đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Theo đó, phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng. Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 14, kết nối Vùng Tây Nguyên và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đăk Nông đi Bình Phước về Tp. Hồ Chí Minh, cũng như tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Cùng đó, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) đoạn Chơn Thành - Đắk Nông; quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, quy mô diện tích khoảng 350ha; đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư huyện Lộc Ninh với quy mô khoảng 25ha, tại thị xã Chơn Thành với quy mô khoảng 46ha, tại huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 40ha.
Nguồn TTXVN