“Online” cùng Tết Việt
Tết Nguyên đán đối với mọi người dân Việt Nam là dịp quan trọng nhất trong năm để sum vầy, đoàn tụ gia đình giữa các thế hệ ông bà, bố mẹ và con cháu, giữa người ở nhà với người quanh năm đi làm việc ở phương xa.
Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến nhiều người phải dừng việc về quê đón Tết cùng người thân. Các kế hoạch du xuân, vui chơi trong dịp tết cũng đã phải thay đổi để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Thế nhưng, Tết “không chuyển dịch” cũng là cơ hội để có thể cảm nhận sâu sắc giá trị của gia đình. “Tết năm nay, tôi chọn xem bắn pháo hoa đón giao thừa qua tivi. Chuyến du xuân, chúc tết họ hàng cùng gia đình cũng hoãn lại để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Riêng với tôi, đây cũng là lúc có thêm quỹ thời gian dành cho gia đình và người thân”- anh Nguyễn Hoài Nam (xã An Phước- Mang Thít) cho biết.
Ăn tết” thời COVID-19, chuyện thăm hỏi, chúc tết cũng được thay đổi, thực hiện thông qua điện thoại, tin nhắn, e-mail, phát huy thế mạnh của “chuyển đổi số”. Các nền tảng mạng xã hội cung cấp đa dạng hình thức liên lạc như Facebook, Zalo, Messenger… góp phần giúp cho những người không thể sum họp trong dịp tết xóa nhòa khoảng cách về không gian
. Phong tục lì xì đầu năm với bao lì xì đỏ thắm nay đã được thay bằng những tiếng “ting ting” qua các ứng dụng chuyển tiền. “Gia đình em đã có kế hoạch ăn tết đặc biệt, phù hợp với “cuộc cách mạng 4.0” và tình hình dịch bệnh. Dự định vào đêm giao thừa, em sẽ kết nối Zalo để chúc tết ông bà ở quê thông qua màn hình. Dù không thể so được với việc gặp nhau trực tiếp, nhưng trong thời điểm này ở đâu ngồi yên đó là giúp cho chính mình và người thân an toàn”- em Lâm Huỳnh Như (Quận 4- TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Đối với những lực lượng y tế đang thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly đặc biệt, cách duy nhất để có “Tết sum vầy” cũng chính là kết nối với gia đình, người thân qua mạng xã hội. Những lời chúc tết nhanh gọn được gửi đến trong giờ phút giải lao, rồi lại tiếp tục bước vào cuộc chiến với COVID-19.
“Không phải ai cũng có được tết sum vầy nhưng mong rằng chúng ta sẽ cố gắng để có một cái tết bình yên cho tất cả mọi người. Mùa xuân mới này, chúng ta cùng quyết tâm chống dịch cho bình yên của những xuân sau”- anh Nguyễn Khắc Huy Bình (bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 3 tại huyện Tam Bình) chia sẻ.
Tết trong “thời chiến” chống đại dịch COVID-19, sum vầy- sự kỳ vọng lớn lao của bao người- cũng đành phải nhường chỗ cho sự bình an của mỗi cá nhân và cộng đồng. Dù vậy, chúng ta vẫn vui tết theo một cách khác để đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân, gia đình và an toàn chống dịch cùng đất nước. Mỗi chúng ta và tất cả chúng ta hãy cùng nhau thực hiện tốt phương châm phòng chống dịch mà Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra, để tết yên vui cho tất cả mọi người.
Phát huy nét đẹp Tết cổ truyền
Cuộc sống “công nghệ” đâu có tước đi ý nghĩa của ngày tết sum vầy, nhiều người trẻ hiện nay ngày càng quan tâm lưu giữ và góp phần làm mới những nét đẹp truyền thống. Qua đó, để có thể vừa hòa chung với cuộc sống hiện đại nhưng cũng không đánh mất giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu giữ hàng ngàn năm về Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Trang phục áo dài ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong cuộc sống thường nhật, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt. Và dường như khi đón xuân về là dịp mà áo dài xuất hiện nhiều nhất, đánh dấu một năm cũ khép lại và một khởi đầu cho một năm mới tràn đầy nhựa sống, vạn vật sinh sôi.
Trong tiết xuân, áo dài càng trở nên nên thơ, hợp tình hợp cảnh hơn bao giờ hết. “Ngày tết đẹp và ý nghĩa là do cách chúng ta tự tạo dựng. Giới trẻ hiện đại đã “refesh” (làm mới) ít nhiều cách đón tết để tạo nét độc đáo trong việc phát huy văn hóa cổ truyền. Mặc áo dài xuống phố, chụp ảnh lưu niệm góp phần giúp tết vẫn vẹn nguyên giá trị đối với người trẻ chúng mình”- Chị Đoàn Ngọc Yến (Phường 2- TP Vĩnh Long) hào hứng bày tỏ. Khi xuân về, tà áo dài giữa phố như những cánh bướm dập dìu bên hoa cỏ mùa xuân, làm xôn xao lòng người, ngẩn ngơ khách qua đường.
Có lẽ tùy vào từng gia đình mà mỗi người trẻ có cách tiếp cận công việc chuẩn bị tết khác nhau, tuy nhiên đều đề cao tính trải nghiệm để cảm nhận được ý nghĩa việc thực hiện. Với bạn Trần Ngọc Thiên Thanh (xã Tường Lộc- Tam Bình), ngày tết gắn liền với sự sum vầy, đoàn tụ và cảm nhận những giá trị gia đình tốt đẹp.
“Mỗi mùa xuân đến là gia đình tôi có những ngày sum họp thật ấm cúng và hạnh phúc. Dù cuộc sống có tất bật thay đổi từng ngày nhưng không khí đón tết của gia đình tôi vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Tôi cùng với mẹ tập trung lau dọn, trang hoàng lại nhà cửa, làm những món ăn quen thuộc đậm đà hương vị miền Tây để chuẩn bị đón người thân ở xa về, tự tay sắp xếp để trình bày mâm ngũ quả đẹp, bắt mắt, giữ lại nét đẹp tết xưa”- bạn Thiên Thanh chia sẻ cách đón tết.
Xuân về, cảnh trí thiên nhiên thật tươi đẹp. Muôn hoa đua sắc, cây cối nở lộc đâm chồi, lòng người xốn xang, phơi phới. Người trẻ “khéo tay” còn biến tấu những góc nhà thành những địa điểm “check-in”, mang sắc xuân rạng rỡ cho ngôi nhà ngày tết.
Ở những “góc tết” nhỏ xinh, những chậu hoa vạn thọ rung rinh, hương mứt tết luồn trong gió, “chị em chúng tôi kể cho nhau nghe những khó khăn, thuận lợi trong suốt một năm qua. Chia nhau niềm tin, trải nghiệm, cùng ôn lại kỷ niệm thuở bé thơ và chụp cùng gia đình những bức hình tết trong tình thân ấm áp.”- bạn Thiên Thanh cho biết thêm.
An Chi (VLO)