"Trả nợ” cho đất…
Các nhà khoa học cho rằng, khi mới thống nhất đất nước, trong cảnh thiếu ăn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân ĐBSCL đã giải quyết bài toán tăng năng suất, tăng sản lượng bằng phân, thuốc hóa học trên cây lúa. Và trong nhiều năm, đất sản xuất nông nghiệp đã “thấm mệt” vì phân bón, thuốc trừ sâu. Hạt gạo Việt cũng chật vật trên thị trường xuất khẩu, bởi giá trị gia tăng thấp và có lúc Chính phủ phải ra chủ trương giải cứu, vì sản lượng dư thừa, không xuất khẩu được.
Để giải quyết những bất cập này, định vị lại chuỗi ngành hàng gạo, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý đã “nắm tay” kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: Báo Cần Thơ
Nhận định về sự phát triển của nông nghiệp ĐBSCL, GS.TS Võ Tòng Xuân, nói: “Trước đây, chúng ta sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất. Từ đó kéo theo nhiều sâu bệnh và phải sử dụng phân thuốc nhiều hơn, làm cho giá trị nông sản thấp. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra các quy trình sản xuất an toàn, khuyến cáo nông dân sử dụng phân thuốc sinh học, hữu cơ cho cây trồng để khi thu hoạch, nông sản không lưu lại các chất cấm, mà còn làm tăng chuỗi giá trị, tăng chất lượng, độ ngon và an toàn”. Việt Nam đang có nhiều cơ hội với các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương.
Vì vậy, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đồng bằng phải có vùng nguyên liệu chất lượng, an toàn để cung cấp cho doanh nghiệp đưa ra sản phẩm tốt. Các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân đầu tư vùng nguyên liệu, để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản.
Sự chuyển động cụ thể của ĐBSCL có thể thấy rõ nét qua triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước đã thay đổi tư duy, thấy được hạn chế và không bắt nông dân phải trồng lúa mà phát triển “thuận thiên”. Cơ cấu phát triển nông nghiệp theo 3 trọng tâm: lúa, trái cây, thủy sản gắn với các tiểu vùng sinh thái.
“Tôi ví dụ trước đây, chúng ta xem nước mặn là trở ngại đối với cây lúa, nhưng Nghị quyết 120 xem nước mặn là tài nguyên để nuôi tôm, tức là chúng ta đã thuận thiên. Điểm sáng nữa là các địa phương đã quy hoạch lại, không làm manh mún nữa, mà liên kết theo từng vùng để tập hợp bà con nông dân vào diện tích lớn, sản xuất theo hướng an toàn” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Từ định hướng của Chính phủ, các địa phương và nông dân chủ động nhập cuộc làm nông “tử tế” theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP, VietGAP đang mở ra nhiều triển vọng mới. Như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Phú, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, thành lập năm 2016, HTX liên kết với 262 nông dân trên địa bàn xã canh tác lúa theo hướng an toàn, diện tích gần 400ha. Trong 5-6 năm nay, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cung cấp giống, vật tư và đưa quy trình canh tác xuống nông dân; thu mua lúa ngang bằng giá thị trường, có lúc nhỉnh hơn, nên nông dân an tâm đầu ra. HTX chủ yếu sản xuất giống lúa thơm cho xuất khẩu (Jasmine 85, OM 5451). Đặc biệt vụ đông xuân 2020-2021, công ty yêu cầu sản xuất lúa hữu cơ, nhiều nông dân trong HTX đã hưởng ứng nhanh chóng.
Nông dân Lê Văn Bảnh, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, cho biết: “Tôi có 1,2ha lúa giống Jasmine 85 năm nay làm mô hình lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp An Phú. Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bao tiêu. Chỉ mới vụ đầu tiên sử dụng chế phẩm sinh học trên đồng ruộng, nên tôi cũng hồi hộp. Giờ lúa trổ, vụ đông xuân này chắc thu 10 tấn/ha. Phấn khởi lắm!”.
Cũng là thành viên liên kết với HTX Nông nghiệp An Phú, ông Trương Ngọc Tùng, nói: “Năm nay, công ty yêu cầu làm lúa sạch, tôi đăng ký ngay 1ha. Bởi 5 năm qua, sự hợp tác nông dân - doanh nghiệp rất tốt. Tôi tự tin làm lúa sạch, vừa bảo vệ sức khỏe của mình, vừa bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là sản phẩm mình đưa ra thị trường an toàn cho người tiêu dùng. Đó cũng là trả nợ lại cho đất những gì đã lấy đi sau nhiều năm sử dụng phân thuốc hóa học trên đồng ruộng”.
Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú, nói, trước nay, nông dân làm theo mô hình an toàn, kiểm soát được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Vụ đông xuân năm nay, công ty chuyển sang mô hình lúa hữu cơ, mới đầu nhiều nông dân cũng ngán dội, vì sợ chế phẩm sinh học không đạt năng suất.
“Giờ họ an tâm rồi. Lúa tốt, năng suất cao. Nhưng cái được nhất là bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân. Trước đây, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cá, cua trên ruộng không còn. Còn năm nay, dùng chế phẩm sinh học, cá, tôm đã xuất hiện lại trên ruộng. HTX sẽ vận động nông dân mở rộng cánh đồng thêm nữa, để xây dựng những cánh đồng lúa an toàn, sạch từ sản xuất đến bàn ăn”- ông Rô khẳng định.
Xây dựng thương hiệu từ đồng ruộng
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, cho biết: “Hơn 10 năm qua, công ty đã liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn. Chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn GAP, Global GAP vào quy trình canh tác, nông dân không còn lạm dụng phân thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Mô hình liên kết cả nông dân và doanh nghiệp cùng được lợi, nông dân tăng thu nhập, doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu bền vững. Nhưng cánh đồng lớn của công ty cũng chỉ mới đáp ứng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu hằng năm. Với hơn 7.000ha lúa nguyên liệu ở TP Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… hằng năm, sản lượng lúa thu hoạch khoảng 100.000 tấn. Công ty rất muốn phát triển cánh đồng lớn thêm, nhưng không đủ nguồn lực tài chính”.
Theo ông Bình, ngành gạo Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển, nhưng nông dân phải sản xuất theo tín hiệu thị trường. Tức là sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp, bởi DN là người bán và họ hiểu thị hiếu từng thị trường.
Ở TP Cần Thơ khoảng 84.000ha đất canh tác lúa, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, trong đó chủ yếu là lúa thơm, chất lượng cao. Mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lúa sạch của thành phố trên 30.000 ha/vụ, tăng lợi nhuận cho nông dân từ 2,4-5 triệu đồng/ha/vụ.
Sản phẩm gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ
Ông Lê Hữu Trạng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Lúa là cây trồng thế mạnh của huyện. 10 năm trước, cánh đồng lớn của huyện chỉ 428 ha/vụ, còn nay đạt hơn 11.000 ha/vụ và có 11 đơn vị, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu lúa cho nông dân. Diện tích lúa trên địa bàn huyện hơn 63.790ha, chủ yếu trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao. Huyện hiện có 4 HTX sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP”.
Theo ông Trạng, mấy năm gần đây, để đảm bảo hiệu quả liên kết, huyện vận động doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu trực tiếp với các HTX, nhằm đảm bảo tính pháp lý. Trước đây, doanh nghiệp ký bao tiêu trực tiếp với nông dân, dễ dẫn đến tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá thị trường trồi, sụt.
ĐBSCL có hơn 1,5 triệu héc-ta đất canh tác lúa, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm của cả nước. Theo Bộ NN&PTNT, định hướng cho sản xuất lúa ở ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng lúa gạo; mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ; chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng, thủy sản khác.
Về cơ cấu giống lúa, giống lúa thơm, lúa đặc sản chiếm 35%; lúa chất lượng cao 40%; lúa nếp, lúa Japonica 15%, lúa chất lượng trung bình 10% và phân bố theo thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái.
Theo ông Phạm Thái Bình, ĐBSCL chỉ cần có 1 triệu héc-ta cánh đồng lớn, có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu cho nông dân thì hạt gạo Việt Nam hoàn toàn chủ động câu chuyện thị trường. “Liên kết là con đường duy nhất để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững. Đồng thời xây dựng thương hiệu hạt gạo. Doanh nghiệp có trách nhiệm chính trong xây dựng thương hiệu và phải xây dựng thương hiệu từ đồng ruộng, chứ không phải trên bàn giấy. Doanh nghiệp phải đưa ra quy trình cho nông dân canh tác, cam kết bao tiêu hết sản lượng, nông dân tuân thủ. Có như vậy mới bền vững” - ông Bình khẳng định./.
Theo Báo Cần Thơ