“Phi công” trên đồng ruộng
Cách đây 5 năm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) “trình làng” khá ấn tượng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nổi lên là mô hình “sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” được thực hiện tại Trà Vinh, sau đó được nông dân Đồng Tháp, Hậu Giang áp dụng.
Đánh giá từ hàng trăm hécta lúa sản xuất cho thấy, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình này thấp hơn so với đối chứng từ 165-224 đồng/kg, năng suất bằng và cao hơn, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9-2,1 triệu đồng/ha. Cái hay của mô hình này là việc quản lý nước theo ứng dụng nông nghiệp 4.0 như lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước, hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới tự động... tạo ra nhiều tiện lợi.
Tại xã Bình Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), ông Võ Văn Trưng là người đầu tiên trồng dưa lưới theo mô hình nhà lưới. Với 3.000m2, trong gần 5 năm qua nhờ trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ông có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình sản xuất dưa lưới của ông Trưng, có 12 nông dân nơi đây đã tham gia hình thành HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích sản xuất 9.000m2, thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng (4 vụ/năm).
Tỉnh Hậu Giang cũng đang nhân rộng mô hình trồng dưa lưới (giống Nhật và Isarel) trong nhà lưới. Theo đó, nông dân đã ứng dụng hệ thống tưới thông minh tự động, theo nhu cầu tiêu thụ nước của dưa lưới bằng điện thoại thông minh, quản lý phân bón dinh dưỡng dưa lưới bằng điện thoại thông minh như cảm biến, nhiệt độ, pH và độ ẩm đất. Đồng thời, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tiểu khí hậu của môi trường bằng điện thoại thông minh qua cảm biến không khí đặt trong nhà lưới, theo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường xung quanh cũng như theo nhu cầu nhiệt độ và độ ẩm của dưa lưới.
Nông dân Hậu Giang điều khiển máy bay phun thuốc trên ruộng lúa. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm nhân công, giá thuê lao động tăng cao. Một số nơi thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã thành lập tổ phun thuốc dịch vụ bằng máy bay theo nhu cầu của nông dân. Hiện ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đưa vào sử dụng 10 máy bay phun thuốc với khoảng 10 “phi công” thành thạo trong vận hành bay phun. Đến nay đã phun trình diễn và dịch vụ trên 1.000ha.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay trên cây lúa là một giải pháp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Theo các chuyên gia dự báo, thời gian tới sản xuất nông nghiệp tất yếu sẽ sử dụng các thiết bị tương tự để gia tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp”.
Theo ông Trần Chí Hùng, ngành nông nghiệp đã đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “nông sản Hậu Giang” hơn 2 năm qua. Qua đó, giúp gần 2.000 tổ chức và nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Người dân đã thành thạo ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá…
Đầu tư đúng mức để tạo đột phá
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả cho nông dân làm nông nghiệp. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao các mô hình này chưa được nhân rộng ở ĐBSCL? Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị, nhờ vào hệ thống canh tác theo quy mô và quản lý hiệu quả. Chủ trương của Chính phủ đã định hình cho hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhưng quá trình thực hiện đến nay còn khá khập khiễng”.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, để số hóa hiệu quả thì tư duy và sự đồng bộ là cần thiết, không thể một đối tượng, một bộ phận ứng dụng số hóa mà số khác không làm. Khi đó, ngành nông nghiệp không thể kết nối đồng bộ được. Muốn số hóa, người nông dân phải có trình độ, phải có chứng chỉ nghề nông. Nhìn rộng hơn, trước hết phải có quy hoạch ngành nông nghiệp phù hợp và có quy chuẩn, sau đó áp dụng đồng bộ. Hiện nay, khâu quản lý nhà nước đã từng bước số hóa, định vị vùng nuôi trồng, đo đạc và lưu trữ dữ liệu, theo dõi diễn biến…
“Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận được chỉ nằm ở một số lĩnh vực hẹp, chưa áp dụng nhiều trên diện rộng. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư theo dõi chất lượng nước, giống, dịch bệnh, điều chỉnh thích ứng với nhu cầu, truy xuất nguồn gốc... nhưng vẫn chỉ tập trung ở doanh nghiệp có quy mô lớn. Đối với hộ nông dân thì bức tranh số hóa chưa rõ ràng, hay nói cách khác chưa tiếp cận được bởi nguồn lực và trình độ”, ông Nguyễn Phương Lam băn khoăn.
Dự án cánh đồng lớn Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nông dân sử dụng máy cấy lúa 3 trong 1 với chức năng cấy lúa, bón phân và phun thuốc cùng một lúc. Ảnh: Internet
Từ lâu, những thiết bị thông minh cho nông nghiệp đã trở thành “chiến lược phát triển quốc gia” tại Nhật Bản, Hà Lan, đặc biệt là Israel. Theo các nhà khoa học, để đạt được như vậy đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nông nghiệp vùng ĐBSCL là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, bị tổn thương nhiều nhất.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định: “Kết nối công nghệ 4.0 với nông nghiệp có trình độ cơ giới hóa cao, đồng bộ, diện tích ruộng đất tập trung, sẽ phát huy nhanh về số lượng ở giai đoạn đầu, thay vì kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao (vì vốn đầu tư quá sức so với khả năng của kinh tế Việt Nam hiện nay). Vùng chuyên canh phải đi liền với nhà máy chế biến nông sản. Việt Nam có thể tiến hành song song nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đại trà 2.0 và 3.0 sao cho phát huy hiệu quả tích cực nhất. Suy cho cùng, thị trường sẽ là yếu tố quyết định đầu ra cho nông sản và đáp ứng mục tiêu làm giàu cho nông dân”.
“Chúng ta cần một chương trình số hóa đồng bộ và trước khi chuyển đổi số, điều kiện cần là nông nghiệp sản xuất theo quy mô, tức phải sản xuất lớn mới làm số hóa, khi ấy mới hiệu quả. Muốn thế doanh nghiệp phải đi đầu, mô hình HTX phải đạt quy mô nhất định về diện tích và nguồn lực…”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ đề xuất./.
Nguồn SGGP