Phát triển thuận tự nhiên
Trước khi Nghị quyết số 120/NQ-CP ra đời, Đồng bằng sông Cửu Long gánh trọng trách là vựa lúa của cả nước. Với những nỗ lực không ngừng, từ chỗ tổng sản lượng lúa của khu vực này năm 1976 khoảng 4,5 triệu tấn, đến nay đạt gần 25 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo của vùng hiện chiếm khoảng 90% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân (đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI), cái giá phải trả là nước mùa mưa lũ không được tràn vào đồng mà phải dồn hết ra biển để không ngập lúa. Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng tăng. Đa dạng sinh học biến mất dần; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững…
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: “Nước là tài nguyên lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng biến đổi quanh năm theo mùa. Vì vậy, cách sử dụng nước thông minh là chúng ta "thuận thiên" để mang lại giá trị kinh tế cao và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên”.
Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đánh dấu bước chuyển đổi chiến lược, coi nước ngọt, lợ, mặn đều là tài nguyên, không chỉ nghiêng về nước ngọt như trước. Trong những năm qua, Chính phủ đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng đường giao thông; các công trình thủy lợi… trợ lực cho vùng phát triển. Kết quả là Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản; 70% về trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hồng (nông dân xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết, gia đình ông đã nhiều đời canh tác trên diện tích 2,5ha đất tại địa phương. Trước đây, gia đình chỉ trồng lúa khi có nước ngọt và để đất trống khi bị nhiễm mặn. Từ năm 2018, gia đình ông triển khai phương thức canh tác thuận tự nhiên là nuôi tôm sú quảng canh khi nước nhiễm mặn. “Lúa giống mới năng suất cao, lại nuôi được tôm, thu nhập hơn gấp đôi, gấp ba ngày xưa”, ông Hồng nói.
Thích ứng để vượt qua thách thức
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, một trong những tồn tại lớn nhất khiến Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy hết tiềm năng là hạ tầng giao thông yếu kém. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho biết, do tác động từ thượng nguồn, lượng nước lũ trên dòng Mê Kông giảm chỉ còn 60-70% so với những năm trước; biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Sạt lở bờ sông, bờ biển hiện diễn ra ngày càng phức tạp…
Để ứng phó với những thách thức này, ngày 28-2-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, toàn vùng tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Kinh tế tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Đến năm 2030, đầu tư xây mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được chia thành 3 vùng sinh thái. Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, chuyên sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây. Vùng sinh thái mặn - lợ ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học. Vùng chuyển tiếp mặn - ngọt (vùng giữa) phát triển thủy, hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay: “Quyết định số 287/QĐ-TTg còn định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước để phát huy tiềm năng bức xạ mặt trời đạt mức 1.387-1.534kWh/năm. Năng lượng gió dọc khu vực ven biển tương ứng tới 1.200-1.500mW/năm. Đến năm 2030, sẽ không phát triển mới nhà máy nhiệt điện than tại đây”.
Nhận định về những vận hội mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Mười triệu hộ nông dân ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tất cả cùng tạo nên thương hiệu Mekong Delta, biểu trưng cho hình ảnh một đồng bằng đang chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách thích ứng để vượt qua và phát triển hài hòa, thuận thiên”.
Theo Hanoimoi.com.vn