Cũng trong năm 2023, tòa án các cấp đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng. 6 đại án được điểm mặt chỉ tên, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Vụ thứ hai tại Tập đoàn FLC sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán… Vụ thứ ba xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Vụ án thứ tư liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) sai phạm trong đấu thầu, đấu giá. Vụ án thứ năm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm “sân sau” cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Cuối cùng là vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương, điển hình cho sai phạm có tính hệ thống, kéo dài.
Những số liệu trên cho thấy, vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp, có vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả cấp trung ương và các địa phương. Câu hỏi được đặt ra: Vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá chính xác hết mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ hết nguyên nhân, chưa đề ra được hết các giải pháp đồng bộ và đủ mạnh, hay thiếu các điều kiện để thực hiện giải pháp? Phải chăng cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy?
Nhiều hội thảo đã được tổ chức đều có chung nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên ở nhiều nơi chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả; công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân lấn át, chi phối làm xói mòn phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, khiến họ không giữ được liêm chính (nhất là khi người có chức quyền thường xuyên được nhiều đối tượng tìm cách tiếp cận để “chăm sóc”, mua chuộc). Hậu quả không chỉ gây tổn hại cho đất nước, cho nhân dân mà còn gây hệ lụy khôn lường cho chính cá nhân và gia đình họ.
Từ 6 vụ án nêu trên cũng cho thấy có trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên. Đối với tổ chức Đảng, mà trực tiếp ở chi bộ, đã không phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm nguyên tắc của Đảng của những cán bộ, đảng viên này; thiếu kiểm tra, giám sát đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên; mất sức chiến đấu, tê liệt trong tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên còn có những bất cập, chưa hiệu quả… Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự thiếu tự thân rèn luyện, tu dưỡng, gìn giữ liêm chính của cán bộ, đảng viên.
Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hạn chế cán bộ, đảng viên bị suy thoái, sa ngã thì cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, đặc biệt là ban hành các quy chế, quy định chặt chẽ để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn biết nói “không” trước những lời nhờ vả vượt quá khả năng và quyền hạn của mình để tránh vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thể hiện bản lĩnh, tiên phong, gương mẫu; chống biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời thực tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tăng cường tự phê bình và phê bình giúp đảng viên nhận ra sai lầm, khuyết điểm và có biện pháp khắc phục.
Quan trọng hơn, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng (phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023; triển khai kế hoạch công tác trọng tâm năm 2024 của thành phố Hà Nội), để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, phải nhận thức đầy đủ và tiến hành đồng bộ “4 không”: Không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng. Theo đó, chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; xử lý sai phạm thật nghiêm, không có vùng cấm để “không dám tham nhũng”; đồng thời phải giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, trọng danh dự, liêm sỉ để từ đó cán bộ “không muốn tham nhũng” và đặc biệt là quan tâm, chăm lo, bảo đảm chế độ chính sách để “không cần tham nhũng”.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không đặt ra mục tiêu phấn đấu có nhiều vụ việc, vụ án, nhưng để làm trong sạch nội bộ, chúng ta phải kịp thời phát hiện, xử lý, không dung túng, bao che. Việc tiến hành đồng bộ “4 không” là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đối với tất cả các cấp, các ngành. Song có một việc mà mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cấp, ngành cần quan tâm và thực hiện ngay đó là, đẩy mạnh giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính trong cơ quan mình, đơn vị mình, địa phương mình, ngành mình nhằm giúp cán bộ nhận thức sâu sắc, khắc cốt ghi tâm: Tham nhũng là việc xấu, có tội với nước, có tội với dân… từ đó “không muốn tham nhũng”. Cùng với đó là rà soát, sửa đổi các quy định trong những lĩnh vực xảy ra vi phạm, tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để cán bộ trước khi “bước qua” phải biết sợ…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm “4 không”, không xem nhẹ bất cứ trụ cột nào, chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để.