Số lao động có được việc làm mới ở ngay trên quê hương vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với số lao động trở về sau các đợt dịch vừa qua. Đó là thông tin được các chuyên gia kinh tế, lao động đưa ra thời gian gần đây, khi nghiên cứu về quá trình dịch chuyển lao động dưới những tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh, các đợt dịch vừa qua đã có 1,3 triệu lao động rời bỏ thành phố về quê, số người mất việc làm có khả năng tới hơn 3 triệu người. Tuy nhiên, khu vực nông thôn chỉ có khả năng hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm. Sự ngược dòng của lao động, do sự đẩy đưa của hoàn cảnh, lại tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân ở quê nhà.
Do đó, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt trong kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, trong đó vấn đề bảo đảm việc làm cho lao động địa phương là rất cần thiết. Phải phát triển khu vực nông nghiệp gắn công nghiệp, dịch vụ, tìm giải pháp cho lao động cũng như tạo việc làm phi nông nghiệp, ly nông mà không ly hương.
Số lao động có được việc làm mới ở ngay trên quê hương vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với số lao động trở về sau các đợt dịch vừa qua. Ảnh: Người lao động
Thế nhưng, tạo sinh kế, việc làm cho lao động địa phương tiếp tục là bài toán khó. Chẳng hạn tại Nghệ An, mỗi năm bổ sung cho thị trường khoảng 47.000 lao động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được người. Ngay trong số lao động về quê tránh dịch thì số không có tay nghề chiếm tới 75%.
Người lao động ra đi khi địa phương không có việc làm phù hợp, thiếu việc làm cho lao động phi nông nghiệp, họ ly hương để tìm sinh kế. Sau thời gian về quê tránh dịch, họ trở lại nơi làm việc cũ. Theo quy luật thị trường lao động, tìm nơi phù hợp để làm việc, học nghề tại nhà máy, tạo cơ nghiệp trên đất mới là nhu cầu tất yếu của người lao động. Nguồn lao động tại quê nhà càng ít dần và những chính sách đào tạo, đào tạo lại của địa phương không theo kịp; thiếu thông tin, kết nối cung cầu nên chất lượng lao động không cao.
Để có đội ngũ lao động công nghiệp hay dịch vụ là không dễ, còn phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng khác. Giữ chân người lao động ở lại quê hương, ly nông mà không ly hương là câu chuyện dài, được đề cập nhiều năm. Nhưng nay cũng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh chủ trương này khi có cơ hội thuận lợi là dòng lao động hồi hương.
Tại Thanh Hóa, trong số 67.000 lao động được giải quyết việc làm, có 23.000 lao động trở về từ các địa phương. Tại Thừa Thiên - Huế, 25 doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu tuyển gần 10.000 lao động, chủ yếu là lĩnh vực dệt may, thu nhập khá và ổn định nên giữ chân được nhiều người ở lại với quê nhà.
Với những người lao động chưa thể kết nối, tìm được việc làm mới hay không có nhu cầu trở lại nơi cũ làm việc, sẽ tự tạo việc làm trong gia đình, hộ kinh doanh, làng nghề, hợp tác xã, nông lâm trường nhằm ổn định cuộc sống.
Thị trường lao động luôn cần quản lý, điều tiết một cách linh hoạt, không "ngăn sông cấm chợ" một cách vô lối hay lập hàng rào, trái quy luật phát triển, xu thế dịch chuyển lao động. Nhưng địa phương nên biết cách để chủ động tạo nguồn lao động, giúp họ an cư trên chính quê hương. Đó mới là góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách tích cực./.
Theo Người lao động