Tăng trưởng GDP và chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (Nguồn: Wichart).
Tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm có những tín hiệu tích cực về tăng trưởng và cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu đi vào quỹ đạo hồi phục với tốc độ tăng trưởng tốt.
Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, tiêu dùng cũng có sự cải thiện đáng kể bất chấp kinh tế thế giới vẫn đang còn khó khăn kèm các bất ổn địa chính trị. Qua đó cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của chính phủ và các cơ quan chức năng khi quyết liệt đưa ra các giải pháp đã bắt đầu phát huy được tác dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, kèm với đó là việc duy trì lãi suất thấp quá lâu so với thế giới cũng gây áp lực rút vốn từ khối ngoại cùng với thị trường vàng trong thời gian qua có khá nhiều biến động đã gây không ít áp lực đến tỷ giá.
Và như đã dự báo từ trước, kịch bản kinh tế hồi phục thì áp lực tỷ giá cũng như lạm phát sẽ bắt đầu quay trở lại. Và buộc chính phủ cũng như NHNN phải tiếp tục thực hiện bài toán đánh đổi sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI. (Nguồn: Wichart).
Như chúng ta thấy, tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 5-6% bởi do các áp lực trên.
Lạm phát cũng bắt đầu quay trở lại với mức tăng 4,4% trong tháng 5 so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của lạm phát là do mối quan hệ cùng chiều của lạm phát và tăng trưởng trong ngắn hạn theo sự phát triển từ lý thuyết đánh đổi của đường cong Phillips.
Nhìn chung, lạm phát ở một mức nhất định sẽ có tác dụng làm kích thích kinh tế trong ngắn hạn. Đó là lý do vì sao các quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ không cố gắng triệt tiêu lạm phát mà sẽ điều tiết nó ở một con số nhất định trên 0% để vừa ổn định vĩ mô nhưng vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Do đó, lạm phát tăng từ giờ đến cuối năm là một hệ quả tất yếu của chính sách ưu tiên tăng trưởng, và theo tôi lạm phát có thể chạm mốc 5% vào cuối năm nay, và con số này vẫn là con số hợp lý nếu như tăng trưởng kinh tế năm nay đạt được từ 6 đến 6,5%.
Chúng ta không thể yêu cầu một mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp trong bối cảnh nguồn lực khan hiếm cũng như các yếu tố vĩ mô quốc tế đang chưa thực sự tốt như hiện nay. Nên việc giữ lạm phát ở một mức hợp lý với cơ địa của kinh tế Việt Nam là phù hợp để vẫn đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng và hồi phục kinh tế và tránh việc xoay chuyển chính sách quá đột ngột có thể gây ra những cú sốc không đáng có cho nền kinh tế.
Tuy nhiên để giữ được mức lạm phát này, NHNN cũng nên cân nhắc bắt đầu tăng dần lãi suất để hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát. Vì chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nên cần phải thực thi trước để đón đầu áp lực lạm phát trong tương lai.
Tránh tình trạng khi lạm phát cao thì mới bắt đầu có động thái thì sẽ khó để kiểm soát hơn. Việc sử dụng liều lượng sao cho phù hợp thì cần đến việc sử dụng các mô hình định lượng để có được độ chính xác cao hơn cũng như phân tích kỹ các cơ chế của chính sách truyền dẫn của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại.
Nhìn chung, lạm phát và tỷ giá sẽ là câu chuyện chính trong năm nay và có thể cả năm tiếp theo khi mà tăng trưởng đang trên đà hồi phục và sẽ gây áp lực ít nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì thế chúng ta cần có những chính sách hài hòa, phù hợp và mang tính đón đầu để đảm bảo việc điều hành chính sách được hiệu quả trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có những phương án dự phòng cho những tình huống xấu có thể xảy ra như các kịch bản tiêu cực của kinh tế thế giới và các bất ổn địa chính trị gia tăng trong thời đại VUCA như hiện nay. Để đảm bảo hệ thống tài chính và nền kinh tế sẽ không bị bất ngờ trước những cú sốc không đáng có và ổn định vĩ mô về dài hạn để hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế.
Theo Vietnambiz