Một góc Hà Nội. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, TP đã huy động được nguồn lực, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá về nhiều lĩnh vực. Không chỉ kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đời sống người dân được nâng cao, mà hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị ngày càng sáng, xanh, văn minh, hiện đại hơn…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, vẫn tồn tại không ít khó khăn, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội cũng như mọi nguồn lực huy động cho phát triển chưa được sử dụng hiệu quả để tạo ra đột phá lớn.
Việc đánh giá lại một giai đoạn phát triển và tiếp tục có một Nghị quyết mới làm cơ sở để xây dựng và ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội để tạo động lực, nguồn lực phát triển là rất cần thiết.
Trong đó, TP hướng tới mục tiêu cao hơn như đến năm 2030, đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năng động, hiệu quả, vì con người; là trung tâm, động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai Thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Và đến năm 2045, Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu, văn hiến, hiện đại, sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm các thủ đô và TP hàng đầu trong khu vực.
Những mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đô thị… cũng sẽ được xác định cụ thể đi kèm giải pháp. Quan trọng hơn hết là việc tiếp tục thống nhất, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức quản trị, vận hành TP thông minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số cũng được đặt ra.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, TP Hà Nội cũng đang tiến hành các bước để tổng kết và đề xuất chính sách xây dựng, sửa đổi Luật Thủ đô, nhằm tăng cường phân cấp, ủy quyền tạo sự chủ động. Đồng thời, triển khai lập Quy hoạch TP, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo ra động lực cho cả giai đoạn xa hơn.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết Nghị quyết về phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 vừa qua, trên cơ sở ban hành Nghị quyết phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị lần này, Luật Thủ đô phải bám sát tinh thần của Nghị quyết mới, kế thừa các nội dung còn phù hợp của luật hiện hành và bổ sung các quy định mới để điều chỉnh những cái mới nảy sinh trong thực tiễn, nhằm thực hiện thật tốt.
Cùng với một Nghị quyết mới sẽ được ban hành và Luật Thủ đô được sửa đổi, chắc chắn sẽ tạo điều kiện về các nguồn lực, có thêm những chính sách, cơ chế đặc thù, đột phá, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết điểm nghẽn hiện có, giúp TP hoàn thành sớm hơn các mục tiêu phát triển./.
Theo Kinh tế và Đô thị