Xác định phát triển hạ tầng giao thông đường bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã được củng cố, cải tạo, nâng cấp theo hướng ngày càng đồng bộ, kết nối với các tỉnh và khu vực lân cận.
Đến nay, Hà Nam đã hình thành mạng lưới giao thông với hơn 5.477,71 km kết nối đồng bộ hệ thống đường giao thông toàn tỉnh với hệ thống quốc lộ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, tỉnh đã tập trung xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả các tuyến giao thông trọng điểm kết nối khu vực lân cận, như: đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng, QL21B… Bên cạnh đó, Hà Nam quan tâm củng cố mạng lưới đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn và mời gọi nhà đầu tư xây dựng cảng trên sông Hồng, sông Đáy… để tạo mạng lưới liên hoàn kết nối với đường quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đặng Công Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) nói: Vừa qua, tuyến đê đại hà kết hợp đường giao thông qua địa bàn xã được nâng cấp mở rộng, kết nối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Xa hơn nữa là kết nối với cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà, đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và giao lưu phát triển kinh tế của địa phương. Ngay khi có đường mới đã có một số doanh nghiệp về tìm hiểu đặt vấn đề xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Tỉnh Hà Nam có hệ thống giao thông liên vùng rất thuận lợi, với mạng lưới các tuyến đường bộ (QL 1A, đường cao tốc Hà Nội- Ninh Bình và một số tuyến giao thông liên vùng như QL 38, QL21B, đường nối giữa hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng…), có tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường thủy nội địa đã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giao thông, vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt đến các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối là một trong những điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Hiện nay, dọc các tuyến đường chính đều hình thành các khu công nghiệp (KCN), trung tâm kinh tế, từng bước phát huy hiệu quả của đường giao thông kết nối. Ông Đặng Trọng Thắng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói: Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Xuân về được đi trên những con đường, cây cầu mới. Những con đường kết nối, liên hoàn như kéo khoảng cách đô thị và nông thôn lại gần nhau hơn. Trên những tuyến đường kết nối, đường động lực hứa hẹn bao công trình minh chứng cho khát vọng vươn cao, bay xa của người Hà Nam. Khu vực các xã Chân Lý và Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) trước đây vốn được coi là điểm cuối, khó khăn của tỉnh, với một bên là dòng sông Hồng quanh năm nước nổi, một bên là đồng chiêm trũng, đường đất lầy lội. Người dân hễ có việc phải đi ra trung tâm huyện lỵ cũng đã rất khó khăn, chưa nói lên tỉnh. Ấy vậy mà từ khi có đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi nhanh chóng, kinh tế giao thương, trao đổi thuận tiện.
Phấn khởi hơn là địa phương được phê duyệt xây dựng một KCN hiện đại đã tạo điều kiện cho con em có việc làm ngay tại quê hương. Bà Phạm Thị Huyền (xã Chân Lý) phấn khởi nói: Có đường mới, việc đi lại của nhân dân ở đây thuận lợi hơn rất nhiều. Cũng nhờ có đường mà công nghiệp đã về làng. Chắc hẳn thời gian ngắn nữa thôi khi KCN, khu đô thị ở địa phương tôi được vận hành thì người dân cũng sẽ được hưởng lợi. Con em địa phương không phải đi xa kiếm tìm việc làm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nêu rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, để phát huy lợi thế liên kết vùng, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo Sở Giao thông vận tải, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển nhanh và bền vững, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi giữa Hà Nam với các tỉnh khu vực lân cận là vô cùng cần thiết. Do đó cùng với việc quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến giao thông trọng điểm kết nối khu vực lân cận hiện có, tỉnh cần tiếp tục củng cố mạng lưới đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn và xây dựng mới các đường trục chính trong các khu đô thị, KCN.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cần cải tạo các tuyến sông chính, xúc tiến đầu tư cảng Yên Lệnh, các cảng trên sông Đáy để kết nối đường bộ với đường sông. Đối với hệ thống đường sắt nghiên cứu đề xuất để đầu tư, nâng cấp, xây dựng ga đường sắt tại Đồng Văn thành trung tâm vận chuyển, bốc xếp hàng hóa phục vụ các KCN trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển giao thông - vận tải để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.
Những nẻo đường Xuân mang niềm vui đến với mọi nhà, là động lực tạo sự phát triển cho mỗi địa phương. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách…, tin rằng nền kinh tế sẽ có điều kiện, động lực để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững./.
Theo Báo Hà Nam