Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Dự báo những tháng đầu năm 2023 kinh tế tiếp tục khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp đã chủ động tận dụng thời gian này để cơ cấu lại, củng cố năng lực để chuẩn bị đón đầu các cơ hội phía trước.
Củng cố năng lực
Trong bối cảnh xuất khẩu những tháng cuối năm khó khăn, không ít doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm dừng hoạt động, vẫn có những doanh nghiệp chủ động thích ứng để duy trì quy mô sản xuất và đạt được kết quả tích cực.
Bà Phạm Thị Hồng Quang, giám đốc Công ty Thủ công Mỹ nghệ Nguồn Việt (VietS) cho biết, năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất trong 20 năm kinh doanh do cùng lúc chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine đến lạm phát, khủng hoảng năng lượng. Những yếu tố trên khiến túi tiền của người tiêu dùng bị thu hẹp, sức mua giảm sút dẫn đến đơn hàng giảm trong khi chi phí sản xuất tăng.
Để duy trì được sản xuất trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, marketing cũng như bán hàng nhằm cắt giảm tối đa chi phí. Ở khâu sản xuất, công ty sử dụng máy móc nhiều hơn để giảm chi phí nhân công; chú trọng thiết kế các sản phẩm mới đa tính năng sẽ giúp khách hàng dễ quyết định mua hàng hơn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Quang, những nỗ lực đó của doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, các khách hàng cắt giảm tới 50 - 60% số đơn hàng nhưng vẫn ưu tiên mua hàng của VietS. Bên cạnh đó, nhờ nền tảng là đạt các chứng chỉ về môi trường, lao động cho sản phẩm mà trong thời điểm khó khăn, các khách hàng truyền thống giảm đơn hàng thì VietS khai thác được một số thị trường ngách với số lượng sản phẩm ít nhưng giá trị cao. Do đó, dù cả năm 2022 số đơn hàng giảm, doanh thu của công ty giảm nhưng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất, giữ được việc làm cho người lao động.
“Những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, nội thất vẫn đang khó khăn do đơn hàng giảm sâu thì tại VietS công nhân đang tăng ca sản xuất gấp rút cho các đơn hàng của quý I/2023. Những thị trường xuất khẩu chính cũng có tín hiệu phục hồi khi một vài khách hàng ở Mỹ, EU đã gửi yêu cầu đơn hàng mới từ giữa tháng dù chưa mua ngay. Dự báo lượng hàng tồn kho tại các khu vực trên đã tiêu thụ gần hết nên khả năng sức mua sẽ được cải thiện trong mùa mua sắm mùa xuân 2023.”, bà Phạm Thị Hồng Quang chia sẻ thêm.
Ở lĩnh vực thuỷ sản, bà Võ Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Sông Tiền (Tiền Giang) cho biết, năm 2022 là năm có nhiều biến động và khó khăn của hầu hết các ngành hàng xuất khẩu và thuỷ sản cũng không phải là ngoại lệ. Những tháng đầu năm, các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến công nhân phải luân phiên sản xuất, nguồn nguyên liệu không ổn định do người dân hạn chế thả nuôi khi chi phí thức ăn tăng cao còn giá bán lại thấp; tiếp theo đó là tác động từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát khiến sức mua ở một số thị trường giảm. Tuy nhiên đến nay nhà máy vẫn duy trì được việc làm và đủ nguồn lực để chăm lo Tết cho người lao động.
Theo bà Võ Thị Ánh, đạt được kết quả trên là nhờ sự quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo công ty khi đã mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu trên 20 ha, từ đó làm chủ được nguyên liệu cho sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư xây dựng kho lạnh có công suất dự trữ 1.000 tấn sản phẩm chế biến, những thời điểm xuất khẩu giảm, nhà máy vẫn duy trì sản xuất và đưa vào dự trữ, khi có đơn đặt hàng là có thể giao ngay.
Bà Võ Thị Ánh nhận định, quý I/2023 xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khó khăn, có thể xảy ra thiếu nguyên liệu do thời gian dài người nông dân không thả nuôi. Tình hình lạm phát ở các nước vẫn chưa được cải thiện nên lượng đơn hàng mới chưa được cải thiện. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu sáng hơn cho những quý tiếp theo, cụ thể về nguyên liệu cá tra từ tháng 4/2023 trở đi sẽ ổn định, xuất khẩu cũng sẽ phục hồi.
Bởi suy cho cùng thực phẩm là sản phẩm thiết yếu và cá tra là loại thuỷ sản có giá bình dân, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng trong bối cảnh các thực phẩm khác trở nên đắt đỏ. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là EU, doanh nghiệp cũng đã khai thác được thị trường Trung Đông và một số nước châu Á khác. Vì vậy, những doanh nghiệp nào chủ động và nhạy bén sẽ vững vàng bước qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nắm chắc cơ hội tăng tốc khi kinh tế thế giới khôi phục trở lại.
Tìm “cơ” trong “nguy”
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2022 là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nói chung nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt được kết quả rất khả quan. Riêng TP Hồ Chí Minh là nơi có lợi thế để xuất khẩu với sản phẩm rất đa dạng, từ nông sản, trái cây của vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long cho đến các sản phẩm công nghệ cao, máy tính thông minh, phần mềm…
Theo ông Trần Việt Anh, trong giai đoạn khó khăn nhất, xuất khẩu vẫn là một những hoạt động tạo ra dòng tiền ổn định, thu lại lượng ngoại tệ lớn cho nền kinh tế. Những giai đoạn thị trường trầm lắng, dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển chậm nhưng nếu duy trì được sản xuất, dự trữ được hàng hoá nhất định thì khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sẽ chớp được thời cơ để tăng thị phần chứ không phải lúc đó mới rục rịch sản xuất.
Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ tạo cầu nối giữa các tổ chức đại diện cho nhà nước và nước ngoài như mạng lưới tham tán thương mại để tìm hiểu, đánh giá đúng nhu cầu thị trường. Tiếp đến cần tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thông qua chính sách và nguồn vốn tín dụng tốt hơn.
“Với một nền kinh tế mở, Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng không tránh khỏi những tác động từ kinh tế thế giới, xu hướng suy thoái hay lạm phát nhưng với sự năng động và bản lĩnh của doanh nghiệp những khó khăn sẽ trôi qua rất nhanh. TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có các dịch vụ xuất khẩu và hoạt động chuyển đổi số phát triển nhanh, các dịch vụ đó sẽ thúc đẩy rất nhiều cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Thành phố trong thời gian tới.”, ông Trần Việt Anh nêu quan điểm.
Trong khi đó, phân tích về các biến động bất lợi cho hoạt động xuất khẩu thời gian gần đây, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong “nguy” luôn có “cơ” và việc doanh nghiệp cần làm là phải có các chiến lược phù hợp tận dụng được cơ hội đó. Cụ thể, khi thế giới biến động và nhiều rủi ro, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các khu vực có nền tảng chính trị ổn định hơn, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư mới. Chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy tạo ra khoảng trống, doanh nghiệp có cơ hội để tham gia vào quá trình thiết lập lại các chuỗi cung, mở rộng thị trường.
“Để biến nguy thành cơ, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hoá thị trường và nguồn cung. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu những ưu đãi đã có hiệu lực từ các hiệp định thương mại tự do để vận dụng một cách triệt để vào việc giảm giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh.”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Kết nối thời trang (FASLINK) chia sẻ: Để tham gia vào thị trường có tính cạnh tranh cao, đạt được giá trị xuất khẩu lớn hơn dựa trên giá trị gia tăng chứ không chỉ là tăng số lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chủ động liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu. Cùng với đó, quá trình hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng xu hướng bền vững trở thành yêu cầu tất yếu.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, bối cảnh thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, và trong mỗi thời điểm đều có khó khăn, thách thức riêng. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn về đầu tư vốn và công nghệ nhưng mặt khác phải nhạy bén về mặt quan sát xu hướng kinh tế của từng khu vực, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu. Bên cạnh đó phải liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong ngành cũng như đối tác hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để cùng nhau đi nhanh hơn, xa hơn.
Nguồn TTXVN