Trồng chuối nơi vùng đất đá
Nông dân Chền Vểnh Sáng (ngụ ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho hay, trước đây, đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bàu Hàm và đồng bào các dân tộc anh em khác thường trồng chuối ven suối, ven đồi và ở những khu vực nhiều đá để giữ đất, “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng hiện nay, cây chuối là cây chủ lực tại vùng đất đá khi các loại cây trồng truyền thống như: điều, tiêu, cà phê, thuốc lá... kém năng suất.
Ông Sáng cho hay, nông dân ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) vốn tiên phong trong việc đưa cây chuối (chủ yếu là các loại chuối: mốc, bơm, cau…) trồng trên những khu vực rẫy nhiều đá trước năm 1975, thỉnh thoảng “cõng” vài buồng chuối ra chợ bán để cải thiện bữa ăn. Từ đó, người dân ở xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất), trong đó có đồng bào dân tộc Hoa thấy hay, hiệu quả nên bắt chước làm theo.
“Thời đó, cây chuối ít được chăm sóc nên mùa khô rất èo uột, héo lá và không cho buồng. Cây chuối chỉ cho thu nhập vào mùa mưa và dứt mưa khoảng 2 tháng ” - ông Sáng kể lại.
4ha chuối của ông Chền Vểnh Sáng (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) được chuyển đổi từ diện tích cà phê, tiêu, điều nay cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm. Ảnh; Báo Đồng Nai
Vì là cây trồng phụ nên khu đất nào xấu, nhiều đá, khó canh tác, thiếu nước tưới, nông dân mới dành cho cây chuối. Do cây chuối không được chăm sóc thuốc, phân, làm cỏ như những cây: bắp, đậu, thuốc lá... nên mùa nắng thường bị héo lá, xơ xác hoặc chết khô. Tuy vậy, nhà nông vẫn nhìn thấy lợi ích kinh tế từ lá, bắp, buồng chuối... nên những lúc nông nhàn, nông dân bắt đầu tập trung vào chăm sóc vườn chuối.
“Những năm 1978-1979, bị mất mùa nhưng nông dân nơi vùng đất đá ở xã Cây Gáo, xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom), xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất)… vẫn no bụng, có sức làm rẫy nhờ chuối xanh đem luộc” - ông Huỳnh Văn Thể (ngụ xã Gia Kiệm) bộc bạch.
Qua thời bao cấp, cây chuối ở vùng đất đá H.Trảng Bom, H.Thống Nhất và nhiều nơi khác được trồng nhiều hơn, chăm chút hơn khi lá, bắp, buồng của nó được vận chuyển khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, chuối bơm, chuối cau, chuối mốc ngoài ăn tươi còn được sấy khô đem bán nên nông dân nào trồng nhiều chuối, sở hữu rẫy chuối vài ha thì bắt đầu phất lên khi chuối được giá.
“Từ đó, cây chuối mới được nhà nông dành thêm đất để trồng, chăm sóc và phát triển mạnh trên các sườn đồi, vùng đất tốt. Thời đó, vào mùa khô, nông dân nào mạnh dạn tưới nước cho chuối sẽ bị cho là dở hơi” - nông dân Lý A Bằng (ngụ xã Cây Gáo) cho biết.
Ông Bằng giải thích, trước đây do phong trào trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái đang phát triển mạnh và nguồn nước giếng đào rất khan hiếm nên nông dân chỉ dành nguồn nước tưới cho những cây trồng chủ lực chứ không ai dành cho chuối. Nhất là cây chuối vốn được nông dân xem là cây “dễ tính”, chịu hạn, thu nhập phụ nên nó phải tự hấp thụ sương đêm, hơi nước từ đá mà sống hoặc “nhẫn nại” chờ mưa.
“Đánh bật” cây cà phê, tiêu, điều
Những năm gần đây, cà phê, tiêu, điều liên tục xảy ra dịch bệnh, mất mùa, mất giá nên nông dân vùng đất đá ở các huyện như: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán đã từng bước thu hẹp diện tích hoặc chuyển phần lớn diện tích trồng tiêu, điều, cà phê sang cây chuối cấy mô (chuối Đài Loan xuất khẩu) và các loại chuối thị trường nội địa ưa chuộng như: cau, mốc, bơm. Khi chuyển đổi sang trồng chuối, nông dân có sự đầu tư lớn về kỹ thuật, giống, phân bón...
Nông dân Nguyễn Tân (ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) chia sẻ, để có quỹ đất 2ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông mạnh dạn chặt bỏ các cây trồng khác, đồng thời đầu tư thêm giếng khoan, hệ thống tưới tự động. Như vậy, mỗi ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho lứa chuối đầu. Với giá 10 ngàn đồng/kg như hiện nay, 1ha chuối xuất khẩu cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Cây trồng nào cũng gặp rủi ro do giá cả, sâu bệnh, nguồn tiêu thụ. Riêng cây chuối cấy mô thì giá cả luôn phụ thuộc bởi thị trường Trung Quốc nên không ít lần nông dân trồng chuối trên vùng đất đá thua lỗ, kêu gọi xã hội giải cứu. Để tránh chạy theo phong trào trồng chuối cấy mô, nông dân các vùng đất đá như các xã: Bàu Hàm, Cây Gáo (H.Trảng Bom), Gia Kiệm, Quang Trung (H.Thống Nhất), Phú Vinh (H.Định Quán)… chuyển sang trồng chuối cau, mốc, bơm (loại chuối truyền thống) theo hướng chuyên canh bằng cách quy hoạch lại vườn, theo hàng và áp dụng khoa học kỹ thuật như: tưới tiêu, phân bón, chọn giống cây sạch. Loại chuối này cho thu nhập quanh năm và 9-10 năm mới phá bỏ vườn chuối cũ để trồng mới.
Nông dân Phùng Sẳn Mậu (ngụ xã Cây Gáo) giải thích, trồng chuối địa phương theo kỹ thuật mới thu nhập không thua kém chuối cấy mô, mỗi ha chuối vẫn cho lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Các loại chuối truyền thống này chỉ có một nhược điểm là thu hoạch kéo dài, còn ưu điểm là vốn đầu tư ít, không phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, ít sâu bệnh và thân cây chuối còn tận dụng làm thức ăn cho gia súc, lá và bắp chuối vẫn bán được.
“Đó là lý do hiện nay mùa nắng cây chuối trên vùng đất đá vẫn xanh tươi, nặng buồng nhờ được nông dân chăm chút, tưới đủ nước, áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác tiến bộ. Cây chuối nơi vùng đất đá còn xanh vào mùa nắng sẽ giúp nhà nông bớt đi thua lỗ, ổn định sản xuất, làm giàu từ đất khi tiêu, điều, cà phê kéo dài thời kỳ mất mùa, mất giá” - ông Mậu quả quyết.
Nông dân Nguyễn Tân (ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm) chia sẻ, để có quỹ đất 2ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông mạnh dạn chặt bỏ các cây trồng khác, đồng thời đầu tư thêm giếng khoan, hệ thống tưới tự động. Như vậy, mỗi ha trồng chuối cấy mô xuất khẩu, ông đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho lứa chuối đầu. Với giá 10 ngàn đồng/kg như hiện nay, 1ha chuối xuất khẩu cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Cây trồng nào cũng gặp rủi ro do giá cả, sâu bệnh, nguồn tiêu thụ. Riêng cây chuối cấy mô thì giá cả luôn phụ thuộc bởi thị trường Trung Quốc nên không ít lần nông dân trồng chuối trên vùng đất đá thua lỗ, kêu gọi xã hội giải cứu. Để tránh chạy theo phong trào trồng chuối cấy mô, nông dân các vùng đất đá như các xã: Bàu Hàm, Cây Gáo (H.Trảng Bom), Gia Kiệm, Quang Trung (H.Thống Nhất), Phú Vinh (H.Định Quán)… chuyển sang trồng chuối cau, mốc, bơm (loại chuối truyền thống) theo hướng chuyên canh bằng cách quy hoạch lại vườn, theo hàng và áp dụng khoa học kỹ thuật như: tưới tiêu, phân bón, chọn giống cây sạch. Loại chuối này cho thu nhập quanh năm và 9-10 năm mới phá bỏ vườn chuối cũ để trồng mới.
Nông dân Phùng Sẳn Mậu (ngụ xã Cây Gáo) giải thích, trồng chuối địa phương theo kỹ thuật mới thu nhập không thua kém chuối cấy mô, mỗi ha chuối vẫn cho lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Các loại chuối truyền thống này chỉ có một nhược điểm là thu hoạch kéo dài, còn ưu điểm là vốn đầu tư ít, không phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, ít sâu bệnh và thân cây chuối còn tận dụng làm thức ăn cho gia súc, lá và bắp chuối vẫn bán được.
“Đó là lý do hiện nay mùa nắng cây chuối trên vùng đất đá vẫn xanh tươi, nặng buồng nhờ được nông dân chăm chút, tưới đủ nước, áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác tiến bộ. Cây chuối nơi vùng đất đá còn xanh vào mùa nắng sẽ giúp nhà nông bớt đi thua lỗ, ổn định sản xuất, làm giàu từ đất khi tiêu, điều, cà phê kéo dài thời kỳ mất mùa, mất giá” - ông Mậu quả quyết./.
Theo Báo Đồng Nai