Theo đó, đối với thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về xăng dầu, tại dự thảo báo cáo của Bộ Công thương có đánh giá sơ bộ và đưa ra 3 phương án; đồng thời đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án. Tuy nhiên, chưa đề xuất lựa chọn phương án để báo cáo.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương lựa chọn phương án 3 để báo cáo Chính phủ. Phương án 3 theo đề xuất của Bộ Công thương là đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công thương thực hiện. Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có đánh giá và đề xuất cụ thể tại công văn số 11280/BTC-QLG ngày 1/11/2022. Theo Bộ Tài chính, một số nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở, đề nghị giao thống nhất về một đầu mối là Bộ Công thương (cơ quan chủ trì điều hành giá, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) để tránh phát sinh những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Về Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, Bộ Công thương có đánh giá sơ bộ và đưa ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 giữ nguyên như hiện hành. Phương án 2 tiếp tục giữ Quỹ BOG xăng dầu, nhưng có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng Quỹ, giảm dần sự can thiệp của nhà nước về giá xăng dầu. Phương án 3 bỏ Quỹ BOG và đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án. Tuy nhiên, chưa đề xuất lựa chọn phương án để báo cáo.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương - cơ quan chủ trì điều hành trích lập, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đánh giá để lựa chọn một phương án cụ thể; đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về công thức tính giá cơ sở xăng dầu, tại dự thảo, Bộ Công thương có nêu các phương án sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành. Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở đã được Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.
Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022, lần 2 vào ngày 10/7/2022 và lần 3 vào ngày 8/11/2022.
Premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP: Lần 1 vào ngày 10/1/2022 và lần 2 vào ngày 7/10/2022.
Theo Bộ Tài chính, việc rà soát điều chỉnh các khoản chi chí định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã được Bộ thực hiện thường xuyên theo quy định, bảo đảm điều chỉnh theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương bỏ nhận định tại mục 10 về công thức tính giá cơ sở do chưa đánh giá toàn diện và chưa chính xác: "Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn. Một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh".
Đối với các phương án sửa đổi, bổ sung công thức giá cơ sở, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương - cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu chủ động đánh giá, rà soát, dự thảo phương án sửa đổi, bổ sung cụ thể; đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; trong đó có nội dung thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022.
Để tăng cường hiệu quả quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử giữa các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, nội dung này chưa được tiếp thu tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Do đó, đối với nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục bổ sung quy định này như đề xuất tại công văn số 6887/BTC-TCT: Nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nêu trên; đồng thời với việc xem xét có lộ trình thực hiện để áp dụng với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.